Vũ Thanh Thủy

Tư vấn về tranh chấp thừa kế giữa mẹ và hai người con trai

Xin đặt vấn đề nhờ sự giúp đỡ từ phía công ty. Gia đình em, Cha vừa mất, còn mẹ và 9 người con, trong 9 người con thì một người con trai mất (có vợ và con) (ông nội bà nội cũng mất).

 

Nay Mẹ làm thủ tục sang tên thừa kế thì trong 9 người con đó có hai người con trai của Mẹ ngăn cản không cho làm thủ tục sang tên mà Mẹ em đã gửi đến trưởng ấp yêu cầu giải quyết, nhờ Đoàn Luật sư xem qua file word và tư vấn giúp em, phải làm sau để Mẹ em được đứng tên sang thừa kế?  Yêu cầu tòa chia thừa kế được không? Thủ tục gồm có những loại đơn từ nào? Trình tự giải quyết ra làm sau? Thời gian Tòa giải quyết? Mức án phí tính như thế nào, có những loại án phí nào, Mẹ em hai là hai anh trai em chịu án phí?  Mẹ em có nhờ trưởng ấp nơi e cư trú hòa giải nhưng giải quyết chưa được, có đơn yêu cầu đính kèm tiệp. Thông tin mà trưởng ấp trả lời cho Mẹ em giống như tại nhà vậy "hai anh trai em không đồng ý ký tên cho Mẹ em sang tên thừa kế". Vui lòng giúp đỡ, em chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề thừa kế:

 

Theo như bạn trình bày thì bố bạn mất và gia đình còn lại mẹ bạn và 9 anh chị em, một người con trai trong số đó đã mất nhưng còn lại vợ, con. Hiện tại, mẹ bạn muốn làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất thì có 2 người con trai phản đối.Nếu Bố bạn mất không để lại di chúc thì phần di sản do bố bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo khoản 1 Điều 650 Bộ Luật dân sự 2015:

 

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a. Không có di chúc;

……..

 

Căn cứ theo Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về những người được hưởng thừa kế bao gồm:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

Theo quy định trên thì  phần di sản của bố bạn để lại sẽ được chia như sau:

 

Trường hợp 1: Nếu bố bạn mất trước người con trai tại thời điểm mở thừa kế thì phần di sản sẽ được chia cho mẹ bạn, 9 người con còn lại. Đối với phần tài sản mà người con trai đã mất sẽ được chia tiếp theo quy định thì những người được hưởng phần này bao gồm mẹ, vợ và các con của người này.

 

Trường hợp 2: Nếu người con trai mất trước hoặc cùng thời điểm với bố bạn thì phần di sản của bố bạn vẫn được chia cho 10 người nhưng đối với phần di sản mà người con trai đã mất được hưởng sẽ được để lại thừa kế vị cho các con theo Điều 652 Bộ Luật dấn sự 2015.

 

Điều 652. Thừa kế thế vị

 

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Khi mẹ bạn muốn đứng tên toàn bộ mảnh đất thì có thể tiến hành lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản trong đó ghi nhận phần di sản mà mỗi người được hưởng và trong văn bản ghi nhận các người nhận di sản đều đồng ý tặng cho phần di sản của mình cho mẹ bạn thì mẹ bạn sẽ đứng tên trên toàn bộ giấy tờ sử dụng đất.

 

Thứ hai, thủ tục yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế:

 

Hồ sơ khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế:

 

+   Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, CMTND, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

 

+   Di chúc ( nếu có);

 

+   Giấy chứng tử cảu người để lại di sản thừa kế;

 

+   Bản kê khai các di sản;

 

+   Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

 

+   Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn ( nếu có), tờ khai khước từ nhận di sản ( Nếu có).

 

Trình tự giải quyết:

 

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

 

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

 

Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp về thừa kế là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

 

Thứ ba, mức án phí:

 

Căn cứ theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH về mức thu, miễn giảm, thu, nộp và quản lý sử dụng án phí, lệ phí của Tòa án quy định:

 

1.3

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

 

a

Từ 6.000.000 đồng trở xuống

300.000 đồng

b

Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

c

Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

d

Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng

đ

Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng

e

Từ trên 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

 

 

Thứ tư, nộp tiền tạm ứng án phí:

 

Theo Điều 146 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

 

Điều 146. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí

 

1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

 

2. Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí.

 

Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.

 

Như vậy, nếu mẹ bạn với tư cách là nguyên đơn thì phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm cho Tòa án.Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 147 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015:

 

Điều 147. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm

 

  1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

Như vậy, nếu trong trường hợp mẹ bạn thắng kiện thì hai người con trai tranh chấp sẽ là bên phải nộp án phí.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà. - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo