Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về luật bồi thường tai nạn giao thông chết người

Theo quy định pháp luật hiện hành, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy tắc về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người khác. Trường hợp vi phạm các quy tắc về an toàn giao thông thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Vậy gây tai nạn giao thông chết người bồi thường thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Khoảng 21h10’ ngày 4/3/2021, chồng tôi điều khiển taxi 4 chỗ và đè lên phần ngực một người bị tai nạn trước đó. Theo người dân ở đó (là công an) thì vụ tai nạn trên là do hai xe máy đi ngược chiều đâm vào nhau, chồng tôi đã khám và sơ cứu cho nạn nhân, đưa đi cấp cứu và hôm sau người đó đã tử vong. Hỏi nếu gia đình tôi bồi thường cho nạn nhân thì bồi thường bao nhiêu? Theo luật hình sự thì chồng tôi bị xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung chị yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường khi lái xe đè lên người khác gây tử vong

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Theo quy định trên, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ những trường hợp luật có quy định khác. Hành vi xâm phạm tính mạng người khác làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước hết là hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra trên thực tế và thiệt hại này là hậu quả của hành vi trái pháp luật gây ra. Theo đó, chồng của bạn đã điều khiển xe ô tô và đè lên một người bị tai nạn trước đó, ngày hôm sau thì người này đã tử vong. Vấn đề cần phải xem xét là hành vi của chồng bạn có phải là hành vi trái pháp luật hay không? Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm phải quan sát, chú ý các diễn biến xảy ra trên đường, việc chồng bạn điều khiển xe đè lên phần ngực của một người đang bị tai nạn có thể do chồng bạn đã không chú ý quan sát, chưa tuân thủ các quy tắc về an toàn giao thông. Mặc dù người bị thiệt hại đã bị tai nạn trước đó nhưng hành vi của chống bạn là một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả người đó tử vong, vì vậy, trường hợp này chồng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi xâm phạm tính mạng của người khác.

Tuy nhiên, vì người bị thiệt hại đã bị tai nạn từ trước nên chồng bạn không phải là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường mà cần phải xem xét đến nguyên nhân người này bị tai nạn. Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 591 BLDS năm 2015 về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.”

Theo quy định trên, việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ được tính dựa theo những thiệt hại cụ thể như chi phí cho việc cứu chữa, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng…và thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài những thiệt hại như trên, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về mặt tinh thần do các bên tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. (Hiện nay, mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 1.490.000đ/tháng). Như vậy, chồng chị có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị thiệt hại, hai bên có thể dựa vào những căn cứ xác định thiệt hại để thỏa thuận một mức bồi thường hợp lý.

Thứ hai, trách nhiệm hình sự khi lái xe đè lên người khác gây tử vong

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;             

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”

Theo quy định trên, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra hậu quả chết người thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả người bị thiệt hại tử vong. Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trong trường hợp này không phải dễ dàng và cần kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng. Theo đó, trường hợp chồng chị lái xe oto không chú ý quan sát, vi phạm quy tắc về an toàn giao thông đường bộ và có căn cứ xác định việc xe của chồng chị đè lên người bị tai nạn trước đó là nguyên nhân trực tiếp làm cho người đó tử vong thì chồng của chị sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo