Nguyễn Văn Cảnh

Tư vấn về thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự

Tôi tên là P. N.C, Q4, tôi xin trình bày sự việc và muốn nhờ công ty luật Minh Gia tư vấn cho chúng tôi trong trường hợp này: Hiện nay, tôi đang xây nhà và đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng nhà hàng xóm không cho tôi được bắc giàn giáo để tô tường bên ngoài và che khe hở giữa 2 nhà. Để luật sư có đủ thông tin, tôi xin thuật lại sự việc dẫn đến việc tôi và hàng xóm có mâu thuẫn với nhau.


Nhà tôi và hàng xóm sử dụng 1 bức tường mấy chục năm nay và bức tường đó là bức tường riêng của nhà tôi (có giấy xác nhận ranh đất có chữ ký các bên kể cả nhà hàng xóm kia). Nhà tôi mà xây lên thì họ cũng xây lên theo và sử dụng tường nhà tôi suốt từ trước tới giờ. Khi nhà tôi dự định đập toàn bộ xây mới thì cũng thông báo cho họ biết và chính quyền, thanh tra xây dựng đều xác định tường đó là tường riêng của nhà tôi. Theo luật là nhà hàng xóm phải che chắn khi mình đập bức tường cũ nhưng tôi đã hỗ trợ xây toàn bộ bức tường mới cho nhà hàng xóm trên đất của họ (gần 15tr) có chính quyền xác nhận sau đó mới đập tường nhà mình. Hiện giờ, họ luôn suy nghĩ là tôi chiếm đất của nhà họ nên trong quá trình xây dựng họ liên tục kiện cáo ra phường những chuyện rất vô lý và phường đã giải quyết và đến giờ nhà tôi đi đến giai đoạn hoàn thiện thì họ không cho bắc giàn giáo qua nhà họ để tô bên ngoài. Tôi cũng sơ xuất là khi hỗ trợ xây tường cho nhà họ quên mất việc yêu cầu nhà hàng xóm cam kết cho nhà tôi tô ngoài nên bây giờ mới xảy ra sự việc này. Tôi biết là họ có quyền sở hữu phần không gian phía trên nhà họ nhưng điều 273 bộ luật dân sự cũng nêu rõ là nhà tôi có quyền chiếm hữu khoảng không gian đó để thực hiện các nhu cầu hợp lý của mình và chúng tôi chấp nhận đền bù.
Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp không thể thương lượng và hòa giải ngay cả có chính quyền can thiệp thì tôi có thể nhờ tòa án hỗ trợ chúng tôi được tô tường ngoài hay không? Rất mong sự phản hồi của công ty luật Minh Gia.

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

 

Căn cứ theo điều 245 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền đối với bất động sản liền kề như sau:

 

“Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).”

 

Và Điều 248 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề:

 

“Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

 

1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

 

2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

 

3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.”

 

Theo đó nếu việc sơn nhà là nhu cầu cần thiết, hợp lý thì gia đình bạn có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu nhà hàng xóm, việc thực hiện sẽ do các bên thỏa thuận. Trường hợp hàng xóm không đồng ý và đã tiến hành hòa giải, thương lượng không thành công ở UBND thì gia đình bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết.

 

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định nội dung đơn yêu cầu bao gồm:

 

“a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

 

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

 

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

 

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

 

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

 

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về thủ tục yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn dân sự trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV Lương Duyên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo