Tư vấn về quyền tài sản đối với di sản thừa kế

Hỏi: Gia đình em, hay nói chính xác là bố mẹ em sau một thời gian làm ăn, giành dụm đã mua được một miếng đất vào năm 2001, và do bố em đứng tên. Nay bố em đã mất (năm 2008), ko để lại di chúc và gia đình muốn làm hồ sơ để chuyển quyền sử dụng đất sang tên của mẹ em.

Nhưng hiện tại có một số thông tin rằng nếu muốn sang tên được cho mẹ em thì cần phải có tất cả anh, chị em trong gia đình của bố em (các cô, chú của em) ký tên đồng thuận thì mới thực hiện được. Lý do là vào năm 2008, bố em mất thì ông bà nội vẫn còn sống, và ông bà thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên cũng được đồng thừa kế với mẹ của em và em. Nhưng tính tới năm 2015 nay thì cả 2 ông bà nội đã mất, và các cô, chú của em theo đó mà được hưởng lại phần thừa kế mảnh đất của bố em từ phần của ông bà nội.

Nhưng theo em nghĩ, vì đây là tài sản sau hôn nhân của bố mẹ em, cho nên khi bố em mất, tài sản sẽ tự động thuộc quyền của mẹ em, và sẽ không thể xét tới quyền thừa kế gì cả, vì đây không phải là tài sản riêng của bố em.

Cho nên em gửi câu hỏi này, kính mong quý anh/chị luật sư có thể giải đáp thắc mắc này giúp em. Em xin chân thành cảm ơn quý anh/chị. Chúc quý anh/chị thật nhiều sức khỏe và công tác thật tốt.

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Mảnh đất bố mẹ bạn mua vào năm 2001 trong thời kì hôn nhân nên sẽ được coi là tài sản chung của hai vơ chồng. Trong đó có một nửa quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của bố bạn và một nửa quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mẹ bạn. Vì vậy nên khi bố bạn mất, một nửa quyền sử dụng đất đó sẽ được tính vào di sản thừa kế và đươc chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế.

Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định về hàng thừa kế như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên thì khi bố bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản của bố bạn (bao gồm cả quyền sở hữu môt nửa quyền sử dụng đất) sẽ đươc chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất trong đó có phần của ông và bà bạn. Khi ông bà bạn mất thì di sản thừa kế sẽ được để lại cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Như vậy khi muốn sang tên mảnh đất cho mẹ bạn thì việc cần có văn bản thỏa thuân phân chia thừa kế giữa những người thuộc hàng thừa kế của ông bà bạn là hoàn toàn có căn cứ.

Không có văn bản pháp luật nào quy định về viêc tài sản chung của vợ chồng  trong hôn nhân mà khi một người mất thì tài sản đương nhiên thuộc quyền sở hữu của người kia. Tài sản của bố bạn chỉ đương nhiên thuộc về mẹ bạn khi mẹ bạn là người thừa kế theo pháp luật duy nhất của bố bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về quyền tài sản đối với di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169