Triệu Lan Thảo

Tư vấn về nguồn chứng cứ trong TTDS

Xin luật sư tư vấn giúp em,do có quan hệ tình cảm mà em đã đi vay hộ và cho bạn trai em vay hơn 400 triệu ,nhưng ko có giấy tờ hay ghi âm ,mà chỉ có 1 vài tin nhắn còn lại trên zalo liên quan đến trả tiền nhưng ko rõ ràng. Bây giờ em ko liên lạc được với bạn trai em nữa ,em cũng chỉ biết sơ qua về gđ và các thành viên trong nhà anh ta thôi,,,( em cũng có nhiều tình tiết rất dài để có thể chứng minh bạn em lừa tiền em mà em ko thể kể hết ra được..).

 

Em xin luật sư tư vấn giúp em ,em có thể làm gì để đòi được số tiền bạn trai em vay ,và em có thể kiện bạn trai em vì tội lừa đảo được ko ? ( anh ta vẫn dùng đt nhưng ko nghe máy của em,face book và zalo của em thì đều bị chặn, ko có chứng cứ gì trong tay em có thể đến gđ anh ta nói chuyện về số tiền anh ta vay của em được ko?)

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy nếu quyền và lợi ích hợp pháp của bạn bị xâm phạm thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

 

Theo quy định tại Điều 94, 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

 

Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Nguồn chứng cứ:

 

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

 

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

 

2. Vật chứng.

 

3. Lời khai của đương sự.

 

4. Lời khai của người làm chứng.

 

5. Kết luận giám định.

 

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

 

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

 

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

 

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

 

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

 

Và Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Xác định chứng cứ như sau:

 

“1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

 

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

 

3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

 

4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

 

5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

 

6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

 

11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.”

 

Do đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu bạn dùng những đoạn hội thoại trên mạng xã hội làm chứng cứ chứng minh cho việc mình khởi kiện đòi lại số tiền đã cho vay thì rất khó để được công nhận đó là chứng cứ. Chỉ trong trường hợp người đó thừa nhận đó là tin nhắn họ đã nhắn với bạn, và trong nội dung tin nhắn cũng cần phải chứa đựng nội dung việc vay khoản tiền đó thì bạn mới có thể khởi kiện anh ta với chứng cứ này.

 

Tuy nhiên, nếu như bạn muốn tố giác hành vi vi phạm luật hình sự của người này thì bạn có thể làm đơn tố giác và nộp đến cơ quan công an để được giải quyết. Trong trường hợp bạn tố giác với chứng cứ là đoạn tin nhắn trên mạng xã hội thì có thể sẽ được cơ quan công an tiếp nhận rồi thực hiện việc điều tra xác minh.

 

Bạn cũng cần lưu ý, do đây là thông tin rất khó để chứng minh là chứng cứ buộc tội, nên nếu như phía bên người đã vay từ chối hợp tác thì việc điều tra cũng rất khó khăn.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích cho mình thì bạn nên thỏa thuận với phía bên người đã vay tiền, nếu thỏa thuận không đạt được kết quả thì bạn làm đơn đến tòa án để được giải quyết, nếu người kia có dấu hiệu bỏ trốn thì bạn có thể làm đơn tố giác đến cơ quan công an để được điều tra xác minh và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về nguồn chứng cứ trong TTDS . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

P Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo