Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về mức xử phạt với hành vi cho vay nặng lãi

Hợp đồng vay tiền là một trong những hợp đồng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp kém hiểu biết đối với loại hợp đồng này dẫn đến giao kết hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến bản thân và gia đình người vay.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề cho vay lãi nặng

Hiện nay, trên thực tế tình hình cho vay với lãi suất cao vượt quá phần lãi suất mà pháp luật cho phép diễn ra ngày càng phổ biến. Các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi thường nhắm tới người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp cần vốn làm ăn, không đủ điều kiện vay ngân hàng. Trong khi đó, nhiều người vay do không lường trước được việc lãi suất quá cao nên cũng lao vào vòng vây của hình thức cho vay nặng lãi. Do vậy, khi không đủ khả năng trả nợ, trả không đúng hạn thì thường bị bên cho vay gọi điện, nhắn tin uy hiếp… để gây sức ép buộc trả nợ.

Trong những trường hợp vay như vậy, người đi vay thường hoang mang không xác định được lãi suất mình vay như vậy vượt quá quy định pháp luật như thế nào? Các đối tượng cho vay có phải chịu trách nhiệm gì không và cách thức xử lý với các trường hợp này như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Để được giải đáp cụ thể các vấn đề liên quan đến hợp đồng vay tài sản quý khách hàng có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được đội ngũ luật sư, chuyên viên tư vấn pháp luật giàu kinh nghiệm của chúng tôi tư vấn cụ thể các vấn đề pháp luật liên quan.

2. Mức xử phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng

Nội dung tư vấn như sau: Xin chào luật sư. Luật sư xin tư vấn giúp em về trường hợp cho vay nặng lãi.  Chị em vay số tiền 50triệu với lãi suất 30%/tháng. Vài tháng đầu chị e góp lãi hằng ngày nhưng sau này không còn khả năng đóng và bị vướng lại số tiền lãi 25tr. Bên cho vay họ gộp vừa vốn và lãi là 75tr và họ bắt mỗi ngày góp lãi 750ngàn. Nhà em cũng buôn bán nên cũng chấp nhận trả lãi nhưng có những ngày không buôn bán được nên chỉ góp 500ngàn/1 ngày cho họ. Đến ngày hôm nay họ bắt em tổng cộng những ngày góp thiếu và không góp là 18tr. Em cũng đã xin họ nếu đến tết e trả được 18tr tiền lãi đó thì qua tết em xin người cho vay cho em trả dần số vốn ban đầu là 75tr. Bên cho vay họ không đồng ý và họ  lên tiếng đe dọa nhà em, buộc nhà em phải đóng cửa từ nay đến tết không được hoạt động kinh doanh và họ sẽ bỏ 18tr lãi đó. Em có ghi âm lại cuộc nói chuyện họ đe doạ nhà em. Em nói nếu đóng cửa thì làm sao em có khả năng trả hết 18tr lãi đó cho bên vay, nhà em cũng đã rao bán tài sản để trả nợ và hiện tại không còn khả năng góp cho họ với lãi suất cao như vậy. Xin luật sư cho em hỏi nếu em ra trình bày ở xã hay huyện thì em có được luật pháp bảo vệ không ạ. Và bên cho vay họ có phạm pháp như thế nào theo trường hợp cho vay nặng lãi cao. Xin  luật sư tư vấn giúp em. Em xin cám ơn rất nhiều.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, Bộ luật dân sự 2015 có quy định về mức lãi suất được cho phép như sau:

“Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% thì được coi  là cho vay nặng lãi. Nếu trong hợp đồng vay tài sản, các bên có thỏa thuận về mức lãi suất vượt quá 20%/năm, khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không thừa nhận và không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá đó. Tức là bên vay chỉ có nghĩa vụ trả lãi ở mức lãi suất tối đa theo quy định pháp luật là 20% /năm của khoản tiền vay.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay nặng lãi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.”

Vì mức lãi suất mà bên cho vay áp dụng với gia đình bạn là 30%/tháng đã vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất được pháp luật cho phép là 20%/năm nên bên cho vay còn có thể bị khởi tố hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017 quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thứ hai, việc bên vay không cho gia đình bạn tiếp tục kinh doanh và có lời lẽ đe dọa thì tùy thuộc vào nội dung và mức độ nghiêm trọng của lời đe dọa để xác định có thể yêu cầu xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự hay không. Trong trường hợp nội dung cuộc đe dọa có tính chất bạo lực, đe dọa giết người thì bạn cần đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo vụ việc và có thể khởi tố bên cho vay về tội Đe dọa giết người quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015.

>> Luật sư tư vấn quy định về lãi suất cho vay, gọi: 1900.6169

---------------

Câu hỏi thứ 2 - Tư vấn quy định pháp luật về nghĩa vụ trả nợ

Trường hợp là Mẹ em đem sổ đất ruộng vay tiền tín dụng đen cho chị em, (chị đã tách hộ khẩu gia đình e rồi). số tiền 200 triệu, mẹ em viết cam kết 30 ngày trả nợ, và đã trả xong. nhưng chị e tiếp tục lấy sổ đó vay nhưng không có sự đồng ý của mẹ em (mẹ em đứng tên sổ). Chị em không có khả năng trả đã bỏ đi. xin hỏi trong trường hợp này mẹ e có phải trả số tiền mà chị em đã vay không. nếu thưa ra toà thì ai sẽ thắng. em xin cảm ơn luật sư Minh Gia

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

..."

Theo đó, ai là người vay thì sẽ có nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra, Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

"Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh."

Như vậy, trường hợp nếu người chị của anh/chị là người vay tiền thì cần xem xét mẹ của anh/chị có ký bảo lãnh cho việc trả nợ này hay không? Và cần xác định việc thế chấp quyền sử dụng đất có hợp pháp hay không?

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo