Cà Thị Phương

Tư vấn về Hội Người cao tuổi

Điều kiện để gia nhập Hội Người cao tuổi? Trường hợp công khai kết luận trả lời đơn tố cáo có vi phạm Điều lệ người cao tuổi không?

 

Nội dung yêu cầu tư vấn:

 

Tôi đang công tác tại hội người cao tuổi (NCT)  đề nghị được nhận câu trả lời tư vấn cho 02 câu hỏi sau: 

1 - Một công dân sinh năm 1964 được Chi hội trưởng NCT bảo làm đơn vào hội năm 2015  (mới 51 tuổi) với mục đích không trong sáng, Hội viên phản đối vì  vi phạm Điều 2 Luật NCT và Điều 3 Điều lệ hội. Tuy nhiên hội NCT Thành phố trả lời bằng công văn là "sai Điều lệ nhưng  đề nghị cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để ông Đ tiếp tục là hội viên.  
 Xin hỏi: Hội NCT thành phố giải quyết như thế có vi phạm Luật NCT và Điều lệ NCT Khóa V nhiệm kỳ 2016-2021 không? 
 2 - Một chi hội phó chi hội NCT đang làm việc bình thường. Ngày 06-6-2017 tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, tự nhiên Phó chủ tịch Hội NCT phường đọc Kết luận trả lời đơn tố cáo ông Chi hội trưởng tham ô quỹ (hội viên này có gửi đơn nhưng không được nhận thông báo trả lời),  sau đó tổ chức hội viên lấy ý kiến bất tín nhiệm, bãi nhiệm chi hội phó đang trong nhiệm kỳ để bầu hội viên khác thay. Đề nghị được  tư vấn là: Chi hội NCT làm như thế có vi phạm Điều lệ NCT Khóa V không? Chân thành cảm ơn Luật sư.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Thứ nhất, về công văn trả lời của Hội Người cao tuổi thành phố.

 

Căn cứ theo Điều 2 Luật Người Cao tuổi năm 2009 quy định:

 

"Điều 2. Người cao tuổi

 

Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên".

 

Đồng thời, tại Điều 9 Quyết định 972/QĐ-BNV về Điều lệ Hội Người cao tuổi quy định:


“Điều 9. Hội viên


1. Công dân Việt Nam từ đủ 60 (sáu mươi) tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được chi hội hoặc Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở (nơi chưa có chi hội) đồng ý thì được công nhận là hội viên, được cấp thẻ hội viên. Trường hợp công dân Việt Nam từ 55 (năm mươi lăm) tuổi đến dưới 60 (sáu mươi) tuổi, tự nguyện và tích cực tham gia Hội hoặc được cử làm công tác Hội, được xem xét công nhận là hội viên.


2. Ban Thường vụ Hội quy định cụ thể về công nhận, xóa tên hội viên phù hợp Điều lệ Hội và quy định của pháp luật”.


Theo quy định trên, để được là hội viên của Hội Người cao thì hội viên đó phải đáp ứng các điều kiện là công dân Việt Nam đủ 60 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập và được chi hội hoặc ban chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở đồng ý thì được công dân này sẽ được công nhận là hội viên hoặc trong trường hợp công dân từ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi có nguyện vọng tự nguyện và tích cực tham gia Hội hoặc được cử làm công tác hội thì được xem xét công nhận là hội viên. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp công dân này mới 51 tuổi, chưa đủ điều kiện để tham gia Hội người cao tuổi. Do vậy, phía Hội NCT thành phố trả lời như vậy là không phù hợp với Luật Người cao tuổi và Điều lệ Hội Người cao tuổi.

Thứ hai, về hành vi của Chi Hội người cao tuổi có vi phạm Điều lệ không?

 

Chi hội Người cao tuổi là một tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội Người cao tuổi. Do đó, đối với trường hợp bãi nhiệm chức danh Phó chi hội phải được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Quyết định 972/QĐ - BNV, cụ thể:

 

"2. Việc giải thể, sáp nhập, chia, tách; quản lý và hoạt động; bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh cấp trưởng, cấp phó của tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Hội thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ Hội và quy chế của Hội". 

 

Đồng thời, theo quy định Điểm b, khoản 1 Điều 16 Quyết định 972/QĐ- BNV thì:

 

"Điều 16. Ban Thường vụ Hội

 

1. Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và một số ủy viên thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo giữa hai kỳ họp, có nhiệm vụ:

...

b) Quyết định thành lập các tổ chức, đơn vị thuộc Hội theo nghị quyết của Ban Chấp hành và quy định của pháp luật; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo Văn phòng, các ban chuyên môn và tổ chức thuộc Hội".

 

Theo đó, thẩm quyền bãi nhiệm phó chi hội hội người cao tuổi thuộc về Ban thường vụ hội. Việc Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi phường lại tự ý tổ chức bãi nhiệm chức danh phó chi hội của người đó là sai trình tự, thủ tục bãi nhiệm các chức danh cấp phó của chi hội người cao tuổi.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo