Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về hành vi không trả tiền cho người chơi hụi khi đến hạn.

Tôi xin trình bày sự việc như sau: Vì sống nhờ đồng lương ít nên hàng tháng vợ chồng tôi có để dành ít tiền chơi hụi, và có chơi giúp mấy người bạn nữa. Chủ hụi là một người quen của tôi. Việc chơi hụi này đã gần chục năm mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Nhưng cách đây khoảng nửa năm thì khi đến kì vợ chồng tôi nhận hụi cuối thì bà không đưa.

 

 Bà cứ nói chưa có, nhưng khi tôi biết bà dùng số tiền đó vào việc riêng thì bà hứa là con đi làm vay ngân hàng sè trả cho tôi, bà hốt hụi của người khác sẽ trả lại cho tôi. Nhưng nhiều lần hứa như vậy đến giờ tôi cũng không thấy đâu. Cách đây một tháng do sốt ruột nên tôi nói chuyện với chồng tôi nên chồng tôi đã ra gặp bà, bà đồng ý và đã ghi giấy nợ, bà hứa trong tháng tư bà sè lo cho tôi một ít để tôi trả lại một số bạn bè đã gửi cho tôi chơi hụi, bà sẽ trả dần đến tháng 10/2016 còn bao nhiêu bà sẽ trả hết. Nhưng bây giờ đã sang tháng năm rồi mà tôi chưa thấy động nào hết. Có hối bà thì bà bảo từ từ bà lo, hối nhiều bà bỏ đi thì ráng chịu. Nói với chồng bà thì ông bảo không biết, có biết ông cũng không lo được. Số tiền ghi trong giấy nợ là 180 triệu đồng (một trăm tám mươi triệu đồng), chưa kể một số chân hụi dang dở tôi đã đang đóng là 80 triệu đồng.

 

Luật sư cho tôi hỏi tôi có thể khởi kiện bà vì tội lừa đảo không, nếu kiện tôi có  lấy lại tiền không? Thời gian có lâu không? nếu như bà chủ hụi bỏ đi hay chết thì tôi có đòi người nhà của bà được không? Chồng và con bà có phải có trách nhiệm gì không? Thủ tục khởi kiện ra sao? trong giấy nợ chỉ có chữ kí của bà, có cách nào đòi nợ mà không phải kiện không? Xin chân thành cảm ơn và mong nhận được giải đáp sớm! xin trả lời qua mail giúp ạ!                            

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

1. Tôi có thể khởi kiện bà vì tội lừa đảo không, nếu kiện tôi có  lấy lại tiền không?

 

Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường  thì chủ hụi có trách nhiệm "giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ" . 

 

Và căn cứ theo Điều 29 nghị định 144/2006/NĐ – CP quy định trách nhiệm của chủ họ do không giao các phần họ cho thành viên được lĩnh họ như sau:

 

Trong trường hợp chủ họ đã thu các phần họ của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh họ thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh họ, chủ họ phải giao các phần họ đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có.

 

Chủ họ phải trả lãi đối với các phần họ giao chậm theo mức lãi do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian giao chậm tại thời điểm giao các phần họ.

 

Như vậy, chủ hụi phải có trách nhiệm giao các phần tiền cho thành viên được lĩnh. Trong trường hợp chủ họ, hụi không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 29 như trên. Việc bà chủ hụi không trả tiền cho bạn theo đúng thỏa thuận thì các hụi viên có thể khởi kiện chủ hụi ra tòa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, kèm theo đơn khởi kiện là chứng cứ chứng minh có sự tồn tại của thỏa thuận về họ, hụi.

 

Nhưng cách đây một tháng chủ hụi đã ghi giấy nợ cho bạn, bà hứa trong tháng tư bà sè lo cho bạn một ít để bạn trả lại một số bạn bè đã gửi cho bạn chơi hụi, bà sẽ trả dần đến tháng 10/2016 còn bao nhiêu bà sẽ trả hết. Tuy nhiên, đến hết tháng 5 mà hiện nay bà vẫn chưa thực hiện trả một khoản tiền nào cho bạn.

 

Như vậy, việc bà không thực hiện theo đúng thỏa thuận: trả một phần tiền trong tháng 4 là vi phạm nghĩa vụ trả nợ được ghi trong hợp đồng, trong trường hợp này bạn có thể kiện bà ra Tòa án nơi bà cư trú để yêu cầu giải quyết nghĩa vụ trả tiền theo đúng hợp đồng, còn những khoản tiền được trả dần từ tháng tư cho đến tháng 10 do chưa đến thời hạn thực hiện hợp đồng nên bà chủ hụi chưa có nghĩa vụ phải trả cho bạn nên Tòa án sẽ không giải quyết. Bạn nên để đến hết tháng 10 khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay nợ, nếu bà chủ hụi không trả tiền cho bạn thì bạn có thể kiện ra Tòa án yêu cầu bà trả toàn bộ số tiền theo hợp đồng vay nợ.

 

Căn cứ theo Điều 139* bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

A) Có tổ chức;

 

B) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

C) Tái phạm nguy hiểm;

 

D) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

Đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

E) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

G) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

 

B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân :

 

A) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

 

B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

 

Như vậy, nếu người kia bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của bạn. Dùng thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng. Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao).

 

Do đó, nếu đến lượt bạn được nhận hụi mà bà không thực hiện giao tiền cho bạn mặc dù có đủ điều kiện để giao tiền mà cố tình không giao. Sau đó, lấy lý do để hoãn và thực hiện giao kết hợp đồng vay nợ nhưng lại trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ  và có hành vi trốn khỏi nơi cư trú thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

 

2. Thời hạn xét xử vụ án dân sự quy định như sau: 

 

 Thứ nhất, Thủ tục nhận đơn khởi kiện (Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự): Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

 

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

 

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;

 

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

 

Thứ hai, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự:

 

Theo quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:

 

a. Thời hạn chuẩn bị xét xử là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, thời gian gia hạn không quá 2 tháng: đối với các vụ án gồm: Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam; Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; Tranh chấp về hợp đồng dân sự; Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; Tranh chấp về thừa kế tài sản; Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai;  Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật; Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;  Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

 

b.Thời hạn chuẩn bị xét xử sở thẩm vụ án dân sự là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, thời gian gia hạn không quá 2 tháng đối với trường hợp: giải quyết các tranh chấp về Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn; Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ;  Tranh chấp về cấp dưỡng; Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định. 

 

c. Thời hạn chuẩn bị xét xử sở thẩm vụ án dân sự là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, thời gian gia hạn không quá 1 tháng đối với trường hợp: giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại, giải quyết tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án ( quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật tố tụng dân sự).

 

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử dân sự sơ thẩm, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:

 

- Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;

 

- Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;

 

- Đình chỉ giải quyết vụ án;

 

- Đưa vụ án ra xét xử.

 

3. Nếu như bà chủ hụi bỏ đi hay chết thì tôi có đòi người nhà của bà được không? Chồng và con bà có phải có trách nhiệm gì không? 

 

Bà chủ hụi là người trực tiếp liên quan đến việc trả tiền hụi và là người giao kết hợp đồng vay nợ với bạn nên bà phả có trách nhiệm trả tiền cho bạn theo đúng thỏa thuận. Nếu bà không thực hiện nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận thì bạn có thể kiện bà ra Tòa án nơi bà cư trú.

 

Nếu bà bỏ trốn thì bạn sẽ không có quyền đòi người nhà của bà. Con của bà sẽ không có trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ cho bạn thay bà vì bà là người trực tiếp giao kết hợp đồng với bạn và những người kia không có liên quan gì đến việc góp hụi hay hợp đồng vay nợ giữa bà và bạn. 

 

Nếu bà chủ hụi chết thì bạn có thể yêu cầu những người được hưởng di sản thừa kế của bà thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng. Việc trả nợ chỉ thực hiện trong di sản thừa kế của người chết để lại, nếu di sản thừa kế để lại không đủ để trả nợ thì những người khác sẽ không có nghĩa vụ trả phần còn thiếu đó. Di sản thừa kế do người chết để lại sẽ được thanh toán theo thứ tự như Điều 683 bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

 

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 

"1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

 

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

 

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

 

4. Tiền công lao động;

 

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

 

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

 

7. Tiền phạt;

 

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

 

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

 

10. Các chi phí khác."


Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 27 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng như sau:

 

“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

 

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

 

Do đó, vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc các giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện trong quan hệ kinh doanh, trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng.

 

Và căn cứ theo Điều 37 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

 

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

 

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

 

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

 

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

 

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

 

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

 

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

 

Như vậy, nếu xác định được bà chủ hụi không trả tài sản cho bạn là do đã dùng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc bà đã chuyển giao, nhập số tiền trên vào tài sản chung của vợ chồng sau đó bỏ khỏi nơi cư trú để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bạn thì chồng bà có trách nhiệm liên đới với bà trong khoản tiền trên. Do đó, bạn có thể yêu cầu chồng bà trả nợ hoặc kiện ra Tòa án yêu cầu chồng bà chủ hụi thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn.

 

 

4. Thủ tục khởi kiện:

 

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2011 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do đó,  trường hợp của bạn, thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Thủ tục khởi kiện yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ như sau:

 

Bạn thực hiện nộp đơn nên Tòa án quận, huyện nơi bà chủ hụi đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

 

 Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

 

- Đơn khởi kiện:

 

Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

 

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

 

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

 

c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

 

d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

 

đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;

 

e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

 

g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

 

 

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

 
- Giấy vay nợ, xác nhận có hợp đồng vay;
 
Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng) của người khởi kiện;
 

Thủ tục thụ lý và thời hạn giải quyết: 

 

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, Tòa án thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.

 

Nếu bạn không thỏa thuận được với bà chủ hụi hoặc bà không thực hiện trả tiền cho bạn theo hợp đồng vay nợ đã giao kết thì bạn phải thực hiện khởi kiện để Tòa án giải quyết - đây là biện pháp duy nhất để bạn đòi lại khoản tiền trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về hành vi không trả tiền cho người chơi hụi khi đến hạn.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo