Lại Thị Nhật Lệ

Tư vấn về góp vốn, chuyển nhượng vốn góp ở công ty cổ phần.

Bạn em có công ty cổ phần, và đang trong tình trạng đi xuống, và có nguy cơ bị sập, nên bạn em kêu gọi em góp cổ đông để giúp bạn ấy trong lúc bạn ấy gặp khó khăn, và em cũng biết mình góp là mạo hiểm, nhưng vì em rât thích lĩnh vực này nên e quyết định góp vốn, mặc dù biết chỉ sống bằng hy vọng mong manh là có thể em đưa vốn vào sẽ vực lại đc công ty.

 

Em góp 100tr vào ngày 8/3/2016, em ra ngân hàng gửi vào tài khoản của công ty và về thì kế toán có viết cho em cái phiếu thu có dấu và xác nhận của giám đốc chính là bạn em, em cũng chủ quan, lẽ ra phải họp trước khi góp nhưng vì bạn đang phải trả lương cho nhân viên nên em góp xong thì bạn em bảo tổ chức cuộc họp sau, và em lao đầu vào công việc, để vực cty, mà quên mất đòi hỏi cuộc họp, và cho đến nay vẫn chưa họp, mặc dù em thấy bên cty luật nào đó, họ mang và yêu cẩu e cung cấp hồ sơm để làm thủ tục, nhưng đến nay hơn 2 tháng mà vẫn chưa họp,, mà em với bạn em lại luôn bất đồng quan điểm trong hướng đi, nên em làm đơn xin nghỉ ở công ty. Đơn của em đã đc xét duyệt, nay em rất lo lắng về vấn đề cổ đông, mà thực sự là em không còn đủ sức để cống hiến cho cty đó nữa vì e thấy không hợp ly chút nào.

 

Vậy nay em muốn rút vốn, thì em phải làm sao ạ, vì em mới chỉ có giấy ngân hàng và phiếu thu chứ em chưa có biên bản cuộc họp , nên em rất lo sẽ mất vốn, cty cho em biết, e đã đc công nhận hợp pháp là cổ đông chưa ạ, và giờ nếu đã hợp lý là cổ đông rồi thì em có người muốn mua lại thì thủ tục bán như nào ạ, vì có rất nhiều người muốn mua lại cổ phần của em,, cho em hỏi thêm, nếu thời điểm này cty giúp em rút vốn thì phí là bao nhiêu? và thủ tục cần những gì ạ ? cho em biết sớm để em có hướng ạ, em cảm ơn nhiều, có thể trả lời giúp em vào mail của em đc không ạ , em cảm ơn nhiều ạ!

 

Trả lời:

 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

1.  Tư cách cổ đông của công ty cổ phần được xác lập từ thời điểm nào?

 

Tại khoản 13 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014 có quy định về góp vốn như sau: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.


Đăng ký thay đổi vốn điều lệ của công ty với phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư, hồ sơ bao gồm:


+ Thông báo thay đổi vốn điều lệ;
 

+ Quyết định về việc thay đổi vốn điều lệ;
 

+ Biên bản họp ĐHĐCĐ về việc thay đổi vốn điều lệ;
 

+ Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới;
 

+ Giấy tờ tùy thân của thành viên mới;
 

+ Giấy đăng ký kinh doanh.

 

Như vậy, sau khi bạn thực hiện góp vốn thì công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ, sổ đăng kí thành viên... kể từ thời điểm hoàn tất các thủ tục trên bạn sẽ trở thành cổ đông chính thức của công ty. Trong trường hợp này bạn nên cung cấp các giấy tờ xác nhận việc góp vốn và giấy tờ tùy thân của bạn và yêu cầu công ty thực hiện các thủ tục trên theo đúng quy định của pháp luật. 

 

2. Chuyển nhượng cổ phần: quyền chuyển nhượng, thủ tục và nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển nhượng.

 

Căn cứ theo Điểm d khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
 

 

"d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này."

 

Và theo Điều 126 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về chuyển nhượng cổ phần như sau:

 

1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

 

2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

 

3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty.

 

4. Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kếtừ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

 

5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho người khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Trường hợp này, người được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ là cổ đông của công ty.

 

6. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng một số cổ phần thì cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số cổ phần đã chuyển nhượng và số cổ phần còn lại.

 

7. Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì công ty cổ phần mà bạn góp vốn đã được thành lập được một thời gian, bạn thực hiện góp vốn khi công ty gặp khó khăn nên trong trường hợp này bạn sẽ và trở thành cổ đông phổ thông tại công ty nên kể từ thời điểm bạn trở thành cổ đông chính thức thì bạn được phép tự do chuyển nhượng trừ trường hợp điều lệ công ty có hạn chế chuyển nhượng. 

 

  • Về thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

 

Đối với cổ phần phổ thông của cổ đông phổ thông:

 

Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

 

Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

 

Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông.

 

Tiến hành đăng ký cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên với Cơ quan đăng ký kinh doanh (nếu có).

 

Căn cứ theo  Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định về thu nhập chịu thuế:
….

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

 

a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

 

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

 

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

 

Do đó, khi bạn thực hiện rút vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần cho người khác thì bạn phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

 

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

 

Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

 

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

 

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là giá trị phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

 

Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn.

 

Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định như: Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cho việc chuyển nhượng, các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp tại ngân sách nhà nước khi làm thủ tục chuyển nhượng, các khoản chi phí khác có liên quan.

 

Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn về góp vốn, chuyển nhượng vốn góp ở công ty cổ phần.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

:

Cv: Vũ Nga - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo