Luật gia Nguyễn Nhung

Tư vấn về đưa con đi định cư ở nước ngoài sau khi ly hôn

Chị tôi ra tòa làm thủ tục ly hôn đơn phương và tòa xét xử là một mình chị nuôi ba đứa con. Giờ chị tôi đang định cư ở Pháp, chị muốn đón con đi Pháp định cư cùng mẹ. Vậy chị tôi có thể đưa con đi khi không có giấy xác nhận của chồng cũ không. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin chào các anh chị bên tư vấn luật Minh Gia. Tôi xin được hỏi anh chị một việc như sau, mong anh chị giúp tôi. Tôi có người chị chia tay chồng vì anh ấy có người khác . Với lý do đó anh rể tôi không về và khi chia tay chị tôi gọi cũng không về , chị tôi ra tòa làm thủ tục ly hôn đơn phương và tòa xét xử là chị một mình nuôi ba đứa con. Hiện nay con lớn của chị tôi 15 tuổi, cháu thứ hai 10 tuổi, cháu bé nhất năm nay 6 tuổi. Giờ chị tôi đang định cư ở Pháp, chị muốn đón con đi pháp định cư cùng mẹ, chị tôi không muốn gặp người đàn ông đó nữa nên không muốn xin giấy xác nhận của người đàn ông đó. Vậy chị tôi có thể đưa con đi khi không có giấy xắc nhận của anh ta không. Tôi xin nói thêm là ba đưá trẻ giờ đang ở cùng mẹ tôi là bà ngoại của các cháu. Xin luật sư tư vấn giup tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Theo Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

 

 “2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

 

Khi xét xử vụ án ly hôn, hai bên không thỏa thuận được về việc nuôi con và Tòa án đã ra phán quyết chị bạn có quyền nuôi con. Việc đưa trẻ em ra nước ngoài để có điều kiện tốt hơn về giáo dục, y tế là một việc làm phù hợp pháp luật. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam quy định việc xuất cảnh của trẻ em dưới 14 tuổi chỉ cần có giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của bố hoặc mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp. Do đó, trong trường hợp này, người mẹ có quyền đưa con ra nước ngoài mà không cần có sự đồng ý của chồng, trừ trường hợp việc đó không đảm bảo được quyền lợi của cháu. Các bên có quyền khởi kiện ra tòa về vấn đề này và tòa có thể quyết định thay đổi người nuôi con, giao con cho người ở Việt Nam. Nếu anh chồng cũ cảm thấy việc chị đưa cháu đi định cư nước ngoài không tốt cho sự phát triển của cháu, anh có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con.

 

Trong trường hợp của bạn, người cha không nhận con nên việc người chị bạn đưa con sang nước ngoài có thể sẽ không có trở ngại gì. Chị cần làm thủ tục xin cấp hộ chiếu cho con mình và sau đó có thể đưa các con sang nước ngoài định cư.

 

Căn cứ Điều 1 Thông tư 07/2013/TT-BCA Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BCA ngày 29/11/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cụ thể như sau:

 

“a) Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu, cấp lại, nộp 01 bộ gồm:

 

- 01 tờ khai mẫu X01 ban hành kèm theo Thông tư này (viết gọn là mẫu X01);

 

- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng.”

 

* Nơi nộp hồ sơ: Tại phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với trường hợp cấp lần đầu hộ chiếu. Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.

 

* Thời gian thực hiện: Nếu hồ sơ nộp tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trả kết quả trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

 

Tiếp theo bạn làm thủ tục xin visa: Theo quy định Luật xuất nhập cảnh 2014 nếu bạn muốn xin visa đi nước ngoài bạn sẽ tới cơ quan đại sứ quán của nước đó tại Việt Nam để làm thủ tục xin cấp visa.

 

* Hồ sơ xin visa:

 

- Hộ chiếu (hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu).

 

- Bản khai xin cấp Visa và một ảnh.

 

- Giấy mời nhập cảnh vào nước Pháp (Bản chính)

 

* Nơi nộp hồ sơ: Đại sứ quán nước Pháp tại Việt Nam tại địa chỉ 53-55-57, Trần Hưng Đạo, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội

 

Nếu có đầy đủ 2 loại giấy tờ trên chị bạn có thể đưa các con đi định cư tại Pháp..

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo