Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Di chúc thừa kế tài sản chung thực hiện thế nào?

Tài sản của cá nhân có thể bao gồm tài sản riêng và phần tài sản của mình trong khối tài sản chung. Đối với tài sản riêng, cá nhân cá nhân có toàn quyền định đoạt tài sản đó qua di chúc. Vậy, đối với phần tài sản trong khối tài sản chung, cá nhân có được quyền để lại di chúc định đoạt phần tài sản này không? Nếu có thì thực hiện như thế nào? Để giải đáp vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo tình huống thực tế sau đây.

Câu hỏi tư vấn: 

Bố mẹ tôi là cán bộ công nhân viên chức công ty cà phê 719. Năm 1998 được công ty cấp cho 1 lô đất ở theo quy hoạch thành lập khu dân cư của công ty.

Năm 1999 bố mẹ tôi xây dựng nhà trên lô đất đó, năm 2015 thì cưới vợ cho em trai tôi và tạm thời cho vợ chồng em tôi ở trong căn nhà đó để kinh doanh, buôn bán. Đến năm 2017 bố tôi qua đời. Đến nay năm 2022 vợ chồng người em tôi đưa nhau ra tòa án đòi ly hôn. Lúc này thì người em dâu tôi có đưa ra một tờ di chúc do bố tôi viết có xác nhận của UBND xã vào năm 2016 và đòi chia đôi tài sản là căn nhà đó. Lúc này thì mẹ tôi và mọi người trong nhà mới biết là có tờ di chúc và giấy tờ chủ quyền căn nhà đã đứng tên vợ chồng người em.

Tôi muốn hỏi luật sư là: Đây là tài sản chung mà tờ di chúc lại chỉ có một mình bố tôi ký mà mẹ tôi không hề hay biết thì tờ di chúc đó có hợp pháp không? Mẹ tôi là người có quyền lợi trực tiếp và bình đẳng trong căn nhà này vậy thì quyền lợi của mẹ tôi bây giờ ở đâu? Trong việc này thì phải phân chia thế nào cho đúng và đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi người?

Nội dung tư vấn: 

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với vấn đề của bạn, Luật Minh Gia tư vấn như sau: 

Theo thông tin chị cung cấp, lô đất và căn nhà là tài sản chung của bố mẹ chị. Tuy nhiên, trên di chúc của bố chị (do người em dâu cung cấp) lại chỉ có mình chữ ký của bố chị và mẹ chị không biết về sự tồn tại của di chúc này. 

Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau: 

Điều 213. Sở hữu chung của vợ chồng

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung [...]”

Đối chiếu theo quy định nêu trên, do căn nhà này là tài sản chung của bố mẹ bạn, nên nếu bố bạn muốn lập di chúc thì chỉ có quyền định đoạt 1/2 giá trị ngôi nhà này.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau: 

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động [...]”

Như vậy, mẹ bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Do đó, kể cả trong trường hợp bố bạn để lại di chúc cho em trai thừa kế toàn bộ tài sản là căn nhà và lô đất thì mẹ bạn vẫn được hưởng tài sản thừa kế tương ứng với: ½ giá trị nhà đất + ⅔ suất thừa kế của một người thừa kế chia theo pháp luật trong khối tài sản mà bố bạn để lại (trừ trường hợp mẹ bạn từ chối nhận di sản thừa kế hoặc thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 620 và Điều 621 BLDS). 

Vì vậy, mẹ bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chia di sản thừa kế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. 

Về tính hợp pháp của di chúc, theo như phân tích tại phần trên, bố bạn có quyền để lại di chúc định đoạt ½ giá trị nhà đất. Do đó, chỉ bằng việc mẹ bạn không ký tên trên di chúc của bố bạn thì Luật Minh Gia chưa thể xác định được tính hợp pháp của di chúc. 

Nếu trong trường hợp bố bạn để lại di chúc định đoạt toàn bộ tài sản là căn nhà và lô đất thì Tòa án chỉ xem xét công nhận ý chí của bố bạn và chia thừa kế đối với ½ giá trị nhà đất là di sản mà bố bạn để lại. 

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo