Chia thừa kế đối với tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cách chia thừa kế đối với tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định di sản là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người để lại di sản, gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Phần tài sản mà bố bạn để lại nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, khi chia di sản thừa kế thì chỉ chia phần tài sản thuộc sở hữu của bố bạn.
Theo nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng sẽ được chia đôi cho mỗi bên. Như vậy, trường hợp này chỉ chia ½ phần tài sản nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng, ½ phần tài sản còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn.
Trường hợp bố bạn trước khi chết có để lại di chúc, nếu di chúc đó hợp pháp theo quy định của pháp luật, tức là di chúc phải được lập thành văn bản, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép, nội dung của di chúc không trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội thì việc chia di sản sẽ chia theo di chúc. Theo đó nếu trong di chúc bố bạn không để lại tài sản cho mẹ bạn, bạn/anh chị em của bạn (nếu chưa thành niên hoặc thành niên mà không có khả năng lao động) thì mẹ bạn và bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự 2015.
Trường hợp di chúc không hợp pháp thì sẽ chia di sản thừa kế theo pháp luật, tức là di sản sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, nếu bố bạn mất để lại di chúc thì phần di sản của bố bạn (gồm tài sản riêng của bố bạn và ½ phần tài sản nằm trong tài sản chung của bố mẹ bạn) sẽ được chia theo di chúc. Trường hợp di chúc không hợp pháp thì di sản của bố bạn sẽ chia đều cho ông bà nội bạn (nếu có), mẹ bạn, và các anh chị em của bạn (nếu có).
---
2. Cách chia di sản thừa kế thuộc sở hữu chung
Câu hỏi:
Tôi ở bắc ninh. Năm 2007 bố tôi mất để lại mảnh đất 700m2 ko có di chúc. Năm 2010 mẹ tôi sang tên sổ đỏ sở hữu thuộc mẹ tôi. Sau đó bà bán một nửa. Trong khi anh em tôi không được chia phần nào. Xin hỏi nửa còn lại anh em tôi có được thừa kế theo quy định không và thủ tục giải quyết.
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Về vấn đề chia thừa kế đối với tài sản chung của vợ chồng, chúng tôi đã tư vấn tại một bài viết khác, bạn có thể tham khảo tại phần tư vấn (1)
Theo đó, nếu thửa đất trên thuộc sở hữu chung của bố mẹ bạn thì ½ giá trị thửa đất trên sẽ được xác định là di sản thừa kế và chia đều cho mẹ và 2 anh em bạn. ½ giá trị phần diện tích đất còn lại thuộc quyền sở hữu riêng của mẹ bạn.
Để tiến hành chia di sản thừa kế, những người có quyền thừa có có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, văn bản thỏa thuận này phải được công chứng tại văn phòng công chứng. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất