Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn trường hợp người bị thi hành án trả nợ nhưng bỏ trốn

Tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng vay tài sản là một trong những loại tranh chấp phổ biến hiện nay. Trong trường hợp tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực của Tòa án mà bên vay không tự nguyện thi hành án mà có dấu hiệu bỏ trốn thì có phạm tội hay không? Mời bạn đọc theo dõi tình huống thực tế sau đây của Luật Minh Gia.

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư tôi có cho một người bạn mượn tiền, số tiền 70.000.000 đồng. Tôi đã làm đơn khởi kiện ra tòa án dân sự và Tòa án đã giải quyết yêu cầu trả tiền cho tôi trong thời hạn 01 năm (từ năm 2021 đến năm 2022), nhưng kể từ đó đến nay, người đó chỉ trả cho tôi 13.000.000 đồng
Hiện tại người đó đi khỏi địa phương cư trú. Tôi có gọi điện nhưng không bắt máy. Xin hỏi, tôi có thể tố cáo người đó ra Công an về tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản hay không? Và tôi phải làm đơn thế nào?

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì tranh chấp dân sự về hợp đồng vay tiền của bạn với người bạn kia đã được giải quyết bằng một bản án dân sự. Tuy nhiên, khi có bản án, người bạn đó không tự nguyện thi hành án mà đã đi khỏi nơi cư trú. Trong trường hợp này vì đã có một bản án giải quyết tranh chấp giữa 2 người thì người bạn này mới bỏ đi do đó mà không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự. 

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 VBHN Luật Thi hành án dân sự 2022, bạn là người được thi hành án nên bạn có quyền yêu cầu thi hành án. Do đó, trong trường hợp của bạn, người bạn kia không chịu trả tiền theo quyết định của Tòa án tại bản án có hiệu lực thì bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Trường hợp người này đã bỏ đi, không có mặt tại nơi cư trú thì vẫn có thể tiến hành thi hành án. Bởi lẽ, Điều 40 VBHN Luật Thi hành án Dân sự 2022 quy định về thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân về việc thi hành án như sau:

“1. Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ.

2. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.

Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.

Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

3. Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo.”

Đồng thời, Khoản 2 Điều 43 VBHN Luật Thi hành án dân sự 2022 quy định: “[...] Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp.”

Căn cứ Điều 46 VBHN Luật Thi hành án dân sự 2022, sau khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc thông báo thi hành án theo quy định nêu trên mà người bạn đó không tự nguyện thi hành án trong thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật này thì bị cưỡng chế thi hành án (nếu người đó có điều kiện thi hành án). Thời hạn tự nguyện thi hành án được quy định như sau:

“1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.”

Khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành áp dụng một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 71 VBHN Luật Thi hành án dân sự 2022 để bảo đảm thi hành án như sau: 

“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trường hợp người bị thi hành án trả nợ nhưng bỏ trốn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng!

P. Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo