Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng trong hệ thông pháp luật dân sự nước ta. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, người thừa kế có quyền được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, người thừa kế có thể từ bỏ quyền hưởng di sản của mình bằng việc từ chối nhận di sản thừa kế.

Nội dung câu hỏi: Gia đình tôi có ngôi nhà do bà ngoại để lại, bà ngoại tôi có 4 người con, tại thời điểm bà ngoại tôi mất gia đình có 2 người con đang ở nước ngoài định cư, 2 người ở Việt Nam, sau đó 1 người cũng ra nước ngoài định cư.

Mẹ tôi là người con duy nhất ở lại Việt Nam, trước đây ngôi nhà chỉ có giấy tờ tay, mẹ tôi đã làm lại giấy tờ, nhưng trong sổ hồng lại ghi "là con thừa kế và đại diện cho các người con". Ba người ở nước ngoài đã làm giấy từ chối nhận thừa kế có chứng thực của lãnh sự quán và để lại cho mẹ tôi nhưng hiện nay tôi vẫn không làm được giấy tờ để sang tên qua cho mẹ tôi.

Sau khi làm giấy tờ từ chối nhận thừa kế thì hiện nay 1 trong 3 người ở nước ngoài đã mất, rồi vợ và con cái của người đó tôi cũng không thể liên hệ được, vậy tôi có thể sử dụng giấy tờ trước khi người này mất để hoàn thành thủ tục không?

Xin nhờ luật sư tư vấn giúp, chân thành cảm ơn.

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Theo thông tin bạn cung cấp, bà ngoại của bạn có bốn người con, sau khi bà ngoại bạn mất để lại di sản thừa kế là 01 căn nhà. Hiện nay, dù đã có văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của ba người con còn lại nhưng mẹ bạn vẫn không thể làm giấy tờ sang tên căn nhà cho mình mẹ bạn đứng tên. 

Tại Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc từ chối nhận di sản thừa kế như sau:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Như vậy, để đảm bảo giá trị hiệu lực của việc từ chối nhận di sản thừa kế, văn bản từ chối nhận di sản thừa kế phải được người thừa kế lập trước thời điểm phân chia di sản thừa kế. Đối chiếu vào trường hợp của bạn, thời điểm mẹ bạn đi làm lại giấy tờ (sổ hồng) cho căn nhà sau khi bà ngoại bạn mất được xác định là thời điểm phân chia di sản thừa kế. Do chưa có thông tin cụ thể về thời điểm lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế nên Luật Minh Gia sẽ tư vấn theo 02 trường hợp như sau:  

- Nếu giấy từ chối nhận di sản của 03 người thừa kế được lập trước thời điểm phân chia di sản thì có hiệu lực. Mẹ bạn có thể mang văn bản này cùng các giấy tờ về QSDĐ đến Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

- Ngược lại, nếu giấy tờ chối nhận di sản của 03 người thừa kế được lập sau thời điểm phân chia di sản thì không có hiệu lực, họ vẫn là người thừa kế phần tài sản mà bà bạn để lại. Hiện nay, 03 người con ngày đều đã mất, để sang tên căn nhà này cho mẹ bạn, bạn cần liên hệ với những người thừa kế của 03 người con của bà ngoại bạn (bao gồm: vợ và các con của người đó) để làm thủ tục sang tên. Trường hợp những người thừa kế này không thể về nước thì có thể ủy quyền cho bạn hoặc một người khác (trừ mẹ bạn) thực hiện thủ tục. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế trực tuyến để được giải đáp.

Trân trọng!

P. tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn