Chồng đứng tên một mình trong sổ đỏ vợ có quyền không?

Bố mẹ cháu cưới nhau đàng hoàng trên giấy tờ cũng như chứng kiến của gia đình bạn bè đôi bên và đã có 2 người con là cháu và em gái cháu. Nhưng lần gần đây nhất làm lại sổ đỏ thì bố cháu lại không cho mẹ cháu có tên trong đó. Ép mẹ cháu kí đơn là không cần đứng tên trong sổ đỏ. Mẹ cháu có kí. Cháu muốn hỏi bây giờ ly hôn thì mẹ cháu, chị em cháu có được hưởng quyền lợi gì không ạ?

Trả lời tư vấn:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, Giấy chứng nhận này đứng tên bố của bạn, và mẹ bạn bị ép buộc ký vào đơn không cần đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, nếu đơn mẹ bạn đã ký không được công chứng, chứng thực, thì mẹ bạn có thể gửi đơn lên Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch dân sự này là vô hiệu do vi phạm quy định về mặt hình thức theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015:

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Ngoài ra, mẹ bạn cũng có thể gửi đơn lên Tòa án yêu cầu tuyên giao dịch dân sự mẹ bạn bị ép ký bị vô hiệu do bị đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015:

“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Khi Tòa án tuyên đơn mà mẹ bạn bị ép ký là vô hiệu, thì mảnh đất mà bố bạn đang đứng tên được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Khi ly hôn, tài sản này sẽ được chia theo quy định của pháp luật về hôn nhân.

Thứ hai, vì mảnh đất (hoặc bao gồm nhà ở) là tài sản của bố mẹ bạn, nên việc chị em bạn có được hưởng quyền lợi gì từ mảnh đất này hay không phụ thuộc vào việc bố mẹ bạn có giao dịch nào về việc tặng cho hoặc chuyển nhượng mảnh đất này cho chị em bạn hay không. Nếu bố mẹ bạn có làm hợp đồng tặng cho (có công chứng, chứng thực) cho chị em bạn thì khi bố mẹ bạn ly hôn, chị em bạn sẽ được hưởng phần đất mà bố mẹ bạn đã tặng cho. Trường hợp bố mẹ bạn không có hợp đồng tặng cho nào, hoặc hợp đồng này không có công chứng, chứng thực thì chị em bạn không được hưởng quyền lợi nào từ mảnh đất (hoặc bao gồm nhà ở) này.

Khi bố mẹ bạn ly hôn, bố mẹ bạn vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng chị em bạn. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Tư vấn đòi quyền lợi khi bị ép buộc ký thỏa thuận dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169