Triệu Lan Thảo

Tư vấn chuyển quyền thừa kế quyền sử dụng đất

Chào luật sư. Tôi có một số vấn đề mong luật sư tư vấn và giải đáp dùm cho tôi. Tôi xin trình bày sự việc như sau: ông bà tôi đều có con riêng, khi ông bà kết hôn thì sinh được hai người con vào năm 1978 và 1983.


Chào luật sư. Tôi có một số vấn đề mong luật sư tư vấn và giải đáp dùm cho tôi. Tôi xin trình bày sự việc như sau: ông bà tôi đều có con riêng, khi ông bà kết hôn thì sinh được hai người con vào năm 1978 và 1983. Năm 2004 ông bà có nhận được một miếng đất  từ một người con trai nuôi cho. Năm 2007 ông bà có chia phần tài sản này cho mỗi đứa con chung là 88m². Sau đó ông bà đã bán đi và chỉ còn để lại là 122m² để ở và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đăng ký ký tên của ông và bà. Nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà là người đứng tên, còn ông là người thừa kế. Nhưng đến năm 2014 thì ông mất. Vậy luật sư cho tôi hỏi nếu như muốn chuyển quyền thừa kế qua cho bà và muốn đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà thì thủ tục ra sao. Nhưng theo tôi được biết thì muốn chuyển quyền thừa kế qua cho bà thì con cái đồng chấp thuận nhưng có một người con riêng của bà không chấp nhận và ra tranh chấp đòi chia tài sản. Chân thành cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau: 

 

Khi bố bạn mất, một nửa của mảnh đất 122 m² (tức 61m²) sẽ là di sản thừa kế mà bố anh để lại, và sẽ được chia theo pháp luật vì bố bạn không để lại di chúc.

 

Để mẹ bạn được hưởng toàn bộ 61 m² đó, tức ý anh muốn để mẹ bạn làm chủ sở hữu của cả mảnh đất 122 m² nguyên vẹn, thì:

 

Thứ nhất, tất cả những người có quyền hưởng di sản thừa kế của bố bạn (61 m² đất) phải từ chối nhận di sản, khi đó mẹ bạn sẽ là người hưởng di sản suy nhất.

  

Điều 620. Từ chối nhận di sản Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

 

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

 

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

 

Thứ hai, một người con riêng của bà đã không chấp nhận, và đòi phân chia di sản thừa kế mà bố bạn để lại. Trường hợp này, nếu không thuyết phục được người con riêng đó, có một cách khác là bạn phải chứng minh người con riêng này không có quyền thừa kế di sản của bố bạn, bằng cách chứng minh người con riêng này và bố bạn không hề có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con.

 

Điều 654. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

 

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.

 

Khi thực hiện được hai bước trên, mẹ bạn sẽ là người duy nhất hưởng mảnh đất mà bố bạn để lại, và khi đó, bà sẽ có quyền đứng tên sổ đỏ, tức sẽ là người duy nhất sở hữu quyền sử dụng mảnh đất 122 m² này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Tiến Anh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo