Nguyễn Nhàn

Tử tù là gì? Thi hành án đối với tử tù quy định như thế nào?

Đối với những người thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, họ sẽ phải chịu những chế tài nhất định. Trong đó, hình phạt tử hình là chế tài nặng nề nhất, áp dụng với tử tù phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Bởi vì đây là chế tài tước đoạt đi mạng sống của con người nên từ việc tuyên án đến thi hành án phải đảm bảo trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật hình sự. Do đó, để tìm hiểu về tử tù, hình phạt tử hình và quy trình thi hành án tử hình đối với tử tù, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:

1. Tử tù là gì?

Về mặt từ ngữ “tử tù” là từ ghép, “tử” trong từ tử tù nhằm ám chỉ cái chết, “tù” nghĩa là sự giam giữ, giam cầm con người ở một phạm vi không gian nhất định. Trong khoa học pháp lý, “tử tù” được hiểu theo nghĩa thông dụng là: “Giam giữ người phạm tội đã bị tòa án kết án tử hình để chờ ngày thi hành án”.

2. Hình phạt tử hình là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hình phạt tử hình như sau: 1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Như vậy, đối tượng áp dụng của hình phạt tử hình là tử tù – người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà xét thấy người đó không thể cải tạo, giáo dục để sửa chữa lỗi lầm và cần phải loại bỏ khỏi xã hội.

Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng cũng bị áp dụng hình phạt tử hình mà xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, pháp luật hình sự quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và tích cự hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Trong trường hợp này thì hình phạt tử hình chuyển thành hình phạt tù chung thân.

3. Thi hành án đối với tử tù

Hình phạt tử hình đã được áp dụng rất lâu từ thời phong kiến đến nay và hình phạt này được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới với các hình thức tử hình nghiêm khắc như: Chém đầu, ngũ mã phanh thây, lăng trì, trượng (đánh đến chết), thắt cổ,… Sau đó, các hình thái xã hội phát triển thì việc thi hành hình phạt tử hình cũng được thay đổi theo hướng nhân đạo hơn, kết thúc mạng sống của tử tù nhanh chóng và bớt đau đớn hơn.

Ở Việt Nam, trước đây chúng ta thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Tuy nhiên, sau thời gian dài thi hành hình thức xử bắn đã phát sinh nhiều bất cập như: Chi phí thi hành án lớn, việc thi hành án cần nhiều người tham gia, pháp trường và thi thể tử tù gây áp lực lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của những người thực hiện thi hành án và thân nhân của tử tù khi nhận lại xác người thân về mai táng,… Vì vậy, hình thức thi hành án tử hình đối với tử tù hiện nay đã được cải tiến nhân đạo hơn bằng phương pháp tiêm thuốc độc vào cơ thể tử tù.

Bởi vì thi hành án tử hình là hình phạt nghiêm khắc, tước đoạt mạng sống của con người nên quá trình thi hành án phải đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thành phần tham gia. Theo quy định tại Điều 82 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, việc thi hành án tử hình cơ bản được thực hiện theo các bước như sau:

Bước 1, trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, tử tù được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Bước 2, thực hiện áp giải tử tù đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.

Bước 3, tiến hành lăn tay, kiểm tra danh bản, chỉ bản, đối chiếu với hồ sơ, tài liệu có liên quan; chụp ảnh, ghi hình quá trình làm thủ tục lăn tay, kiểm tra và lập biên bản; báo cáo Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra;

Bước 4, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố các quyết định sau:

- Quyết định thi hành án;

- Quyết định không kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.

Sau đó giao các quyết định trên cho tử tù tự đọc. Trường hợp tử tù không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ thi hành án tử hình.

Bước 5, cán bộ chuyên môn được chỉ định thi hành án tử hình thực hiện thi hành án theo quy trình như sau:

- Cố định người bị thi hành án tử hình vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu;

- Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm;

- Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình: Mũi 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác; Mũi 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động; Mũi 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim;

- Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ;

- Báo cáo kết quả thi hành án cho Chủ tịch Hội đồng thi hành án.

Bước 6, bác sỹ pháp y xác định tình trạng của tử tù đã bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng;

Bước 7, Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản thi hành án; báo cáo về quá trình, kết quả thi hành án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan quản lý thi hành án hình sự. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thi hành án.

Bước 8, thông báo cho thân nhân của người đã bị thi hành án biết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169