Cao Thị Hiền

Tù chung thân là gì? Bị phạt tù chung thân có thể ra tù không?

Tội phạm có nhiều loại khác nhau, mỗi loại tội phạm khi xảy ra trong thực tế lại có tính chất và mức độ nguy hiểm nhất định cho xã hội. Do đó, hệ thống hình phạt đối với tội phạm rất đa dạng, bao gồm các hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Trong số các hình phạt chính đó, có loại hình phạt tù chung thân - một chế tài hình phạt tước tự do của tội phạm. Vậy tù chung thân là gì? Khi nào thì áp dụng hình phạt tù chung thân? Liệu rằng tội phạm bị áp dụng tù chung thân thì có thể được ra tù và tái hòa nhập với cộng đồng? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những kiến thức liên quan về vấn đề này.

1. Tù chung thân là gì?

Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017 về tù chung thân như sau:

Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo quy định này thì trong hệ thống hình phạt Việt Nam, tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc, chỉ nhẹ hơn hình phạt tử hình. Hình phạt tù chung thân được áp dụng đối với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà nếu áp dụng hình thức phạt tù có thời hạn ở mức tối đa vẫn còn nhẹ nhưng nếu phạt tử hình thì chưa thật cần thiết. Với xu hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình mà chuyển xuống chung thân như hiện nay thì trong tương lai chắc chắn số lượng án chung thân được tuyên sẽ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, do tính chất nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân và xuất phát từ nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội nên hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam không cho phép áp dụng tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên và ở một mức độ nào đó chưa nhận thức được đúng và đầy đủ tất cả các hành vi và hậu quả hành vi thực hiện. Do đó, đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất không áp dụng tù chung thân nếu có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời gian chấp hành án tù chung thân, nếu người bị kết án có kết quả cải tạo tốt thì người phạm tội có thể được giảm thời gian chấp hành hình phạt.

2. Khi nào áp dụng hình phạt tù chung thân?

Về nguyên tắc, hình phạt tù chung thân được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức hình phạt tử hình. Tuy nhiên, pháp luật hình sự hiện hành có quy định về trường hợp hình phạt tử hình được ân giảm xuống tù chung thân.

Theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 40 Bộ luật hình sự quy định về hình phạt tử hình như sau:

Điều 40.Tử hình

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Như vậy, trong một số trường hợp người phạm tội tử hình sẽ được chuyển thành hình phạt tù chung thân.

Thứ nhất, người phạm tội thuộc các đối tượng như:

Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng và chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô.

Thứ hai, người bị kết án tử hình được ân giảm.

3. Tù chung thân có thể ra tù không?

Người phạm tội bị tuyên án tù chung thân có thể sẽ phải ngồi tù đến cuối đời, bị cách ly vĩnh viễn khỏi môi trường sống bình thường và phải sống phần đời còn lại của mình ở trong trại giam; mọi hoạt động bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, nước ta cũng có nhiều chính sách nhân đạo đối với hình phạt này. Nếu cải tạo tốt và đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, người bị tuyên án tù chung thân có thể được giảm án, tha tù trước thời hạn hoặc đặc xá mà không phải đi tù suốt đời.

Thứ nhất, tù chung thân được giảm mức hình phạt đã tuyên:

Tại Điều 63 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, người bị tuyên án tù chung thân có thể được giảm mức hình phạt. Theo đó, người bị kết án phạt tù chung thân nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Điều 63 Bộ luật hình sự quy định về giảm mức hình phạt đối với tù chung thân như sau:

- Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 12 năm

- Người bị áp dụng hình phạt tù chung thân có thể được giảm án nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

- Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù. Tuy nhiên, dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

- Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Như vậy, người bị kết án tù chung thân có thể được giảm án xuống tù có thời hạn nếu cải tạo tốt và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, người được giảm án tù chung thân vẫn phải chấp hành đủ 20 hoặc 25 năm tù thì mới được về đoàn tụ với gia đình.

Thứ hai, Tha tù trước thời hạn:

Căn cứ Điều 66 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP thì người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện như sau:

- Phạm tội lần đầu;

- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;

- Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;

- Có nơi cư trú rõ ràng;

- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;

- Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Ngoài ra, không thuộc các trường hợp phạm tội được quy định tại Khoản 2 Điều 66 Bộ luật hình sự, bao gồm:

- Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh ...

- Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp không thi hành án tử hình.

Theo các quy định trên, người bị kết án tù chung thân nhưng đã được giảm án có thể được tha tù trước thời hạn nếu phạm tội lần đầu, có ý thức cải tại tốt,… và chấp hành án tù được ít nhất từ 12 đến 15 năm tù.

Thứ ba, tù chung thân có thể được đặc xá

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Theo Điều 11 Luật Đặc xá 2018 thì người bị kết án tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện:

- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;

- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;

- Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn;

- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí;

- Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự;

Theo quy định trên, người bị kết án tù chung thân nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và có đề nghị đặc xá gửi đến Chủ tịch nước thì sẽ được hưởng đặc xá thì sẽ được tha tù trước thời hạn, có cơ hội ra tù làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo