Luật sư Dương Châm

Hồi tố là gì theo quy định pháp luật?

Hồi tố là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và kế toán. Hệ thống pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể hồi tố là gì nhưng vẫn ghi nhận nguyên tắc đó tại một số điều luật. Vậy hồi tố phải được hiểu như thế nào mới đúng? Có phải luôn luôn được áp dụng nguyên tắc này hay không? Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. Hồi tố là gì?

Hồi tố là một dạng hiệu lực của văn bản quy  phạm pháp luật. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được coi là tính bắt buộc thi hành của văn bản trong một giai đoạn nhất định, trên một không gian nhất định và với những chủ thể pháp luật nhất định.

Về nguyên tắc, những hành vi, quan hệ xã hội diễn ra trong thời gian nào thì sẽ chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời gian đó. Một khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì nó sẽ không được vận dụng để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nó vốn điều chỉnh trong quá khứ nữa. Tuy nhiên, trong những trường cần thiết, các hành động đã diễn ra trong quá khứ trước khi có pháp luật điều chỉnh thì vẫn có thể áp dụng pháp luật hiện hành. Việc áp dụng này được gọi là hồi tố.

Ví dụ, hồi tố trong pháp luật hình sự có thể hiểu là hiệu lực trở về trước của một hoặc nhiều quy phạm pháp luật hình sự đối với hành vi được pháp luật hình sự hiện hành quy định là tội phạm so với quy phạm pháp luật hình sự tại thời điểm có hiệu lực thi hành ở quá khứ.

2. Hồi tố được áp dụng trong trường hợp nào?

Hồi tố chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nguyên tắc này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Luật BHVBQPPL) như sau:

“Điều 152. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.”

Trong tố tụng hình sự, hồi tố được ghi nhận theo nguyên tắc chỉ áp dụng hiệu lực hồi tố đối với điều luật có lợi hơn cho người phạm tội, còn điều luật không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng hồi tố. Nguyên tắc này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện cho người phạm tội cải tạo và hoàn lương. Điều này được thể hiện qua nội dung Điều 7 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

“Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật Hình sự về thời gian

2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”

Trong tố tụng dân sự, pháp luật Việt Nam đã áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 đối với một số trường hợp hồi tố. Điều này được hướng dẫn tại Nghị quyết số 103/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự. Một số trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 1 như sau:

“Điều 1. Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016):

1. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết;

2. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết;

…”

3. Các trường hợp không được hồi tố

Điều 152 Luật BHVBQPPL 2015 quy định rõ những trường hợp không áp dụng hiệu lực trở về  trước như sau:

“2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;

b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.”

Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169