LS Xuân Thuận

Các tội nào, trường hợp nào đương nhiên được xoá án tích?

Nhờ luật sư tư vấn về xóa án tích đương nhiên, và trường hợp nào được đương nhiên xóa án tích như sau: Cách đây 15 năm, chồng tôi là lái xe, trên đường đi có xảy ra tai nạn. Năm đó chồng tôi đã ra toà và được hưởng án treo (Thời gian thụ án là hơn một năm) và được trả về địa phương để thi hành án. Từ đó đến nay, chồng tôi luôn là một người gương mẫu,chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật, chưa từng vi phạm pháp luật lần nào và cũng không có khiếu kiện gì từ bên kia.

Vì hiểu biết có hạn nên bây tôi mới biết là phải xin xoá án tích. Tôi rất  mong muốn được xoá án tích cho chồng nhưng mọi giấy tờ liên quan đến bản án ngày xưa tôi không còn kể cả Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.

Tôi ở ngoài Bắc, còn Toà Án xét xử chồng tôi thì ở tận trong miền Nam nên việc vào trong đó xin lại giấy tờ đó gặp rất nhiều khó khăn, hơn nữa lại mười mấy năm rồi... 

Vậy luật sư cho hỏi các tội nào được xóa án tích đương nhiên và những trường hợp nào được xóa án tích đương nhiên. Trường hợp của chồng tôi có được không? Xin Luật sư tư vấn cho tôi.

1. Tư vấn về các tội, các trường hợp đương nhiên xóa án tích

Trả lời:

Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chồng chị, chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Về các tội được đương nhiên xóa án tích

Theo quy định tại khoản 1 điều 70 Bộ luật Hình sự có quy định về những trường hợp đương nhiên được xoá án tích như sau:

"1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này."

Như vậy, đa số người bị kết án được đương nhiên xóa án tích nếu đáp ứng đủ điều kiện theo khoản 1 nêu trên, trừ những tội sau:

Các tội quy định tại chương XIII, gồm các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Tội phản bội tổ quốc, Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tội gián điệp, Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, Tội bạo loạn, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tội phá rối an ninh, Tội chống phá cơ sở giam giữ, Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân)

Các tội quy định tại chương XXVI, gồm các tội Phá hoại hòa bình, chống phá loài người và tội phạm chiến tranh như: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh, Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê, Tội làm lính đánh thuê.

- Về những trường hợp được đương nhiên xóa án tích

Theo quy định pháp luật hình sự thì:

"2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

..."

Như vậy, đối với trường hợp chồng chị đã chấp hành xong thời hạn thụ án và quá 15 năm từ ngày xong thời hạn thi hành án cũng như đã thi hành xong về trách nhiệm dân sự, căn cứ theo quy định trên trên, chồng chị hoàn toàn thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích.

Trong lý lịch tư pháp sẽ không được ghi là chồng chị có tiền án (thường thực tế thì trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ thể hiện như sau: “tiền án: Không”), bởi lẽ Bộ luật Hình sự có quy định “Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận”. Từ thời điểm chồng chị được xóa án tích đã trở thành một người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không một ai có thể căn cứ vào sự kiện từng bị kết án để có thể hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của chồng chị.

- Về thủ tục đương nhiên xóa án tích

Trong trường hợp chồng chị cần cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì phải làm hồ sơ bao gồm đơn, kèm các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt (Trường hợp chị đã bị mất giấy xác nhận kết quả thi hành án thì có thể làm đơn để đề nghị cơ quan thi hành án cấp lại) , giấy chứng nhận không phạm tội mới do công an quận, huyện nơi người bị kết án thường trú cấp, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân. Hồ sơ gửi đến chánh án tòa án đã xử sơ thẩm vụ án để đề nghị cấp giấy chứng nhận được xóa án tích.

---

2. Trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định pháp luật

Câu hỏi:

Cho em hỏi là mẹ em bị kết 1 bản án và nguyên văn của bản án như thế này '' bị can bị kết án 1 năm tù,nhưng được hưởng án treo thời gian thử thách là 2 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (tức là ngày 26/7/20xx)''. Vậy với trường hợp của mẹ em thì em có cần phải làm đơn xin xóa án tích không ạ ,nếu cần phải làm thì thời gian nào thì có thể làm được đơn (mong luật sư cho em biết thời gian cụ thể) và những giấy tờ đi kèm .Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin trả lời như sau :

- Thứ nhất, về đương nhiên xóa án tích

Theo quy định tại điều 70 Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích được quy định về vấn đề đương nhiên xóa án tích như sau:

"Xem trích dẫn tại phần tư vấn (1)"

Mẹ bạn bị kết án 1 năm tù, nhưng được hưởng án treo thời gian thử thách là 2 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (tức là ngày 26/7/20xx). Như vây, mẹ bạn thuộc trường hợp quy định tại điều 70 Bộ luật hình sự 2015, tính đến 26/7/20xx mẹ bạn đã thực hiện xong bản án được 3 năm. Khi chấp hành xong bản án mẹ bạn không phạm tội mới trong thời hạn 1 năm thì mẹ bạn đương nhiên được xóa án tích.

Thứ 2 về, thủ tục xóa án tích

Trong trường hợp bạn cần cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì hồ sơ bạn cần chuẩn bị bao gồm:

Đơn xin xóa án tích (theo mẫu). 

- Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp 

- Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khỏan bồi thường, án phí, tiền phạt;

- Giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp (theo mẫu quy định của ngành Công an)

- Bản sao hộ khẩu;

- Bản sao chứng minh nhân dân.

Thứ ba, về thẩm quyền xét đơn xin xóa án tích

- Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).

- Người xin xóa án tích không phải nộp bất cứ khoản tiền lệ phí Tòa án nào (trừ trường hợp xin sao quyết định xóa án tích hoặc giấy chứng nhận xóa án tích).

Trên đây là nội dung tư vấn về: Trường hợp nào được xóa án tích, những tội nào được xóa án tích? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo