Trao đổi mua bán dân sự bằng miệng có hiệu lực không?
Em không biết gì về máy móc nên xin chủ cửa hàng cho em chạy máy ra vườn cày thử và nhờ những người hiểu biết kiểm tra đánh giá sau đó sẽ quay trở lại để thương lượng giá. Chủ cửa hàng đồng ý. Em chạy vào vườn cày và nhờ những người hiểu biết kiểm tra thì mới biết máy đó là hàng sửa chữa lại chứ không phải máy mới nhập về như chủ cửa hàng đã nói. Ngày hôm sau em chạy xe ra lại cửa hàng thì chủ cửa hàng không ho em trả lại xe nữa, nói là em đã mua không được trả lại và giá xe đó là 70.000.000đ. Em không đồng ý và nói nếu a ép em mua thì em chỉ mua máy đó giá 20.000.000đ, do trước khi chạy máy ra khỏi cửa hàng em đã chuyển khoản 20.000.000 đ cho chủ cửa hàng. Hiện tại em đang giữ máy cày và cửa hàng đang giữ 20.000.000d của em. Khi giao dịch không hề có bất cứ một giấy tờ nào được ký kết, tất cả chỉ bằng miệng, và điều đáng nói là khi em quay trở lại chủ cửa hàng nói máy cũ chỉ được có vậy và nếu em có máy nào giống như vậy đưa ra a ta thu lại 70.000.000đ ngay. Em nói anh ta thu lại chính cái đó a ta không đồng ý.Trong trường hợp này của em, xin Luật Sư tư vấn giúp em, em phải làm gì, nên làm gì. Em chỉ muốn trả lại máy và lấy lại tiền để mua máy khác sử dụng được về phục vụ công việc. Đối với những người làm nông như em số tiền 70.000.000 đ là rất lớn. Và trong cuộc sống em tin chắc không ít người khi mua bán đều bị người bán nói lừa và ép giá giống như em nhưng họ không biết phải tìm ai giúp đỡ. Kính mong Luật Sư tư vấn giúp em. Mong sớm nhận được tư vấn từ quý Luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Theo như thông tin bạn đưa ra, giao dịch giữa bạn và người bán hàng hoàn toàn bằng miệng, mà không có giấy tờ mua bán gì. Đối chiếu theo quy định trên hợp đồng miệng cũng được coi là hợp đồng dân sự, được pháp luật thừa nhận, và có giá trị pháp lý như Hợp đồng văn bản. Tuy nhiên ngoại trừ một số trường hợp có một số ít hợp đồng, để có hiệu lực, bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản, ví dụ như hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng lao động thời hạn trên 3 tháng, hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy trường hợp của bạn thỏa thuận hợp đồng bằng miệng và có người làm chứng thì hợp đồng vẫn có giá trị trước pháp luật. Do thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, bên bạn (bên mua - nguyên đơn) sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu người bán hàng (bị đơn) phủ nhận. Theo quy định tại khoản 5 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự:
“...5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình...”
Do đó trong trường hợp của bạn, không có giấy tờ để chứng minh có việc mua bán này nên nếu có người làm chứng trong quá trình mua bán máy cày và lúc mang máy về thử thì bạn có thể yêu cầu và thỏa thuận với người bán. Trường hợp người bán không đồng ý thì bạn có thể tố cáo về hành vi ép buộc của người bán theo Luật Tố cáo năm 2011
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất