LS Vy Huyền

Tranh chấp về di sản thừa kế

Xin chào Luật Minh Gia. Trước đây vợ chồng tôi ở với ba mẹ của tôi và trước khi ba tôi mất có để lại di chúc cho vợ chồng hưởng 80% giá trị căn nhà và được quyền bán khi mẹ tôi mất nhưng vợ chồng tôi có việc phải đi xa nên giao lại căn nhà cho anh chị tôi ở và chăm sóc mẹ.

 

Hiện nay mẹ tôi 90 tuổi và tôi được biết vợ chồng anh chị tôi có ý định tranh giành và làm phần thừa kế của mẹ tôi cho anh chị tôi ,vậy cho tôi hỏi mẹ tôi  tuổi đã cao có làm đi chúc cho anh chị tôi được không và tôi phải làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này và đi chúc của ba tôi để lại có đóng dấu đàng hoàng và có chữ ký của mẹ tôi nữa . Rất mong nhận được câu trả lời của luật sư. xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

 

Căn cứ theo thông tin mà bạn cung cấp thì ba của bạn trước khi mất có để lại di chúc cho vợ chồng bạn hưởng 80% giá trị căn nhà và được quyền bán khi mẹ bạn mất, di chúc này có xác nhận của văn phòng công chứng và chữ ký đồng ý của mẹ bạn, do đó phần di chúc của bố bạn được coi là hợp pháp và có hiệu lực kể từ thời điểm bố bạn mất ( theo quy định của khoản 1 điều 643 Bộ luật dân sự 2015 về hiệu lực của di chúc).

 

Như vậy, kể từ thời điểm bố bạn mất thì vợ chồng bạn đã có quyền sở hữu đối với 80% giá trị căn nhà. Trong trường hợp mẹ bạn muốn để lại di chúc cho anh chị bạn thì chỉ có quyền để lại di chúc đối với phần tài sản mà mẹ bạn có quyền sở hữu, nếu mẹ bạn muốn để lại toàn bộ ngôi nhà cho anh chị thì phải có sự đồng ý của vợ chồng bạn. Theo đó, căn cứ theo quy định của bộ luật dân sự thì di chúc được coi là hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện:

 

Điều 630. Di chúc hợp pháp

 

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

Vậy, theo quy định trên thì nếu như mẹ bạn muốn lập di chúc để lại tài sản cho vợ chồng chị gái bạn thì phải đảm bảo tại thời điểm lập di chúc mẹ bạn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép và nội dung của di chúc không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo