Lại Thị Nhật Lệ

Trách nhiệm trả khoản vay của ngân hàng do chồng thực hiện sau chồng khi chồng mất.

Năm 2015 chồng tôi có vay ngân hàng nông nghiệp 50.000.00đ thế chấp sổ đỏ đất ở. người thừa kế là mẹ chồng tôi . Tháng 12 năm 2016 chồng tôi bị tai nạn lao động mất, mẹ chồng tôi nay đã già yếu hết tuổi lao động không có khả năng trả nợchúng tôi có 1 con trai 2 tuổi tôi và con trai tôi ở nơi khác sổ hộ khẩu nơi khác, còn mẹ chồng tôi và chồng tôi một sổ hộ khẩu và ở nơi khác vậy cho tôi hỏi tôi có phải trả nợ cho chồng không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

 

Người được chỉ định trong di chúc sẽ được hưởng di sản thừa kế do chồng bạn mất để lại nếu có di chúc. Trong trường hợp chồng bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Căn cứ theo Điều 651 bộ luật dân sự năm 2015 thì bố mẹ chồng bạn, bạn và các con của chồng bạn sẽ được hưởng di sản thừa kế do chồng bạn mất để lại. Mỗi người sẽ được hưởng một phần bằng nhau trong khối di sản thừa kế, các bên có quyền thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia. 

 

Để xác định bạn có trách nhiệm trả khoản vay trên hay không bạn cần căn cứ vào thời điểm vay, mục đích vay… Bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ vay ngân hàng trong trường hợp khoản vay được hình thành trước thời kì hôn nhân – trước khi vợ chồng bạn đăng kí kết hôn. Người có trách nhiệm trả khoản vay của chồng bạn sẽ được xác định dựa theo Điều 615 bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

 

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”


 

Như vậy, những người được hưởng di sản thừa kế do chồng bạn để lại phải có trách nhiệm trả khoản nợ do chồng bạn thực hiện vay khi còn sống. Nghĩa vụ trả nợ sẽ tương ứng và không được với phần giá trị di sản thừa kế mà người đó được hưởng. 
 

 

Nếu khoản vay đươc hình thành trong thời kì hôn nhân thì được xác định như sau:

 

Theo Điều 27, Điều 30, Điều 37 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ chồng. Theo đó, nếu chồng bạn vay tiền vì mục đích sử dụng chung của hai vợ chồng hoặc vay riêng nhưng mục đích để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được xác định là khoản vay chung. Vợ chồng bạn phải có trách nhiệm liên đới cùng trả khoản vay này. Chồng bạn hiện nay đã mất do đó bạn phải có nghĩa vụ trả toàn bộ tiền vay trong ngân hàng. Tuy nhiên, bạn có quyền yêu cầu những người được hưởng di sản thừa kế của chồng bạn phải thanh toán một phần tương ứng với giá trị di sản thừa kế mà người đó được hưởng. 

 

Nếu khoản vay này được xác định là khoản vay riêng, chồng bạn dùng vào mục đích cá nhân thì khi chồng bạn mất những người được hưởng di sản thừa kế của chồng bạn phải có trách nhiệm trả khoản vay trong phạm vi tài sản chồng bạn mất để lại như tôi đã phân tích ở trên. Bạn có thể thực hiện đối chiếu thông tin, trường hợp của bạn để xác định trách nhiệm trả khoản vay cho ngân hàng. Bạn và những người được hưởng di sản thừa kế có thể thỏa thuận phân chia di sản, trách nhiệm trả nợ hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

 

Nếu khi đến hạn phải trả nợ mà những người có trách nhiệm phải trả nợ không trả thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. 

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Cv: Vũ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo