Luật sư Đào Quang Vinh

Trách nhiệm phát sinh trong trường hợp đâm xe gây chết người

Anh trai tôi đi xe máy và bị một người phụ nữ đâm vào và chết 3 ngày sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vậy trách nhiệm bồi thường của người phụ nữ này như thế nào, có bị xử lý hình sự không?


Nội dung cần tư vấn:

Xin luật sư cho biết: Ngày 30 tháng 9 năm 2014, anh trai tôi  đi  xe máy có đội mũ bảo hiểm và đi theo chiều tay phải về nhà thì bị một phụ nữ 42 tuổi (đi xe máy từ nhà văn hoá thôn lao ra,khoảng cách 300m và bên đường có nhà dân cao 2 tàng che khuất tầm nhìn) đâm vào, anh tôi ngã đập đầu xuống đường bê tông hôn mê bất tỉnh nhưng không được cô kia kêu cứu mà cô ta có hành vi thay đổi hiện trường vụ tai nạn bằng cách gọi người nhà mang xe đi sửa, thay thế và bỏ mặc anh tôi. Khi người đầu tiên phát hiện vụ tai nạn lại chính là em rể của chị đâm vào anh tôi, anh ta hô hoán cùng một số người đưa anh tôi về nhà. Gia đình tôi đưa anh đi cấp cứu , mổ não ở bệnh viện đa khoa. sau ba ngày anh tôi không qua khỏi. Trong thời gian đó bên cô kia không hề thăm hỏi , thuốc men và cũng không có trách nhiệm mai táng phí hay bồi thường thiệt hại gì. Đến tháng 5 năm 2015 cô ta mới bị tạm giam. Từ khi bị giam, gia đình cô ta mới ra nói chuyện và xin bồi thường 70 triệu đồng. sau đó ít ngày cô ta được ra tù. Xin hỏi các luật sư: hiện tại anh tôi còn một người con đang học lớp 7 chưa đén 18 tuổi. Vậy việc bồi thường trên đã thoả đáng chưa?( trách nhiệm dân sự). Còn về trách nhiệm hình sự thì cô ta phải xử phạt tù la bao nhiêu thời gian?
 

Trách nhiệm phát sinh trong trường hợp đâm xe gây chết người
 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh gia, trường hợp của bạn được chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm phát sinh kể từ thời điểm anh bạn bị xe máy của người phụ nữ gây tai nạn, dẫn tới hậu quả chết người.

Theo quy định tại Điều 623, Bộ luật dân sự, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, Khoản 3, Điều 623 quy định: “ Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi trừ các trường hợp:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị hại;

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, thiệt hại chết người xảy ra không phải do lỗi cố ý của người bị thiệt hại cũng như không phải trong trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết thì chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chiếc xe máy gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng người khác dù có lỗi hay không.

Điều 610, bộ luật dân sự quy định bồi thường thiệt hịa do tính mạng bị xâm hại bao gồm:

“1. Thiệt hại về vật chất bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng: Bao gồm:

+ Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người  chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ muwoif lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

+ Người đã thành niên nhưng không cod khả năng lao động thì được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.


2. Thiệt hại về tinh thần

Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do nhá nước quy định.”

Theo các dữ kiện anh đã nêu, gia đình người bị hại có một đứa con đang học lớp 7, chưa đến tuổi thành niên, do đó, theo quy định nêu trên, ngoài những khoản bồi thường quy định, người gây thiệt hại còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đứa con này đến khi mười tám tuổi.

Khoản 1, điều 202, Bộ luật hình sự  quy định:

“Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."

Như vậy, nếu chứng minh được lỗi của người gây ra tai nạn thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 1, điều 2, thông tư 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNSTC-TANDTC về hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, quy định trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông làm chết một người thì thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khung hình phạt cao nhất áp dụng trong trường hợp này là 3 năm tù theo quy định tại khoản 1 điều 202 bộ luật hình sự.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm phát sinh trong trường hợp đâm xe gây chết người. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
C.V Ngô Huệ - Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo