Lò Thị Loan

Trách nhiệm liên đới trong hợp đồng vay là gì?

Hiện nay Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận đa dạng hình thức thực hiện nghĩa vụ như thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, thực hiện nghĩa vụ khi có điều kiện, thực hiện nghĩa vụ có đối tượng tùy ý lựa chọn…và thực hiện nghĩa vụ liên đới là một trong những phương thức thực hiện nghĩa vụ. Luật sư sẽ tư vấn rõ hơn về vấn đề này.

1. Luật sư tư vấn về thực hiện nghĩa vụ.

Trong quan hệ pháp luật dân sự, thông thường các giao dịch dân sự thường tồn tại hai bên là một bên mang quyền mà một bên mang nghĩa vụ, trừ một số giao dịch đặc biệt. Thực hiện nghĩa vụ là trách nhiệm của bên có nghĩa vụ trong việc thực hiện hoặc không thực hiện một công việc. Như đã nếu trên liên đới thực hiện nghĩa vụ là một trong những phương thức thực hiện nghĩa vụ và xét về mặt ngôn từ thì từ “liên” trong cụm từ “liên đới” sẽ được hiểu là nghĩa vụ này được thực hiện giữa nhiều chủ thể

So với thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ thì nghĩa vụ liên đới có tính chất căn bản và khác biệt hơn. Theo đó bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người mang nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nghĩa mỗi nghĩa vụ phải được xác định cụ thể.

Nếu bạn đang gặp khó khăn về vấn đề này, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi qua hotlline 1900.6169 để được hỗ trợ và giải đáp những thắc mắc các vấn đề pháp lý.

Để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Trách nhiệm liên đới trong hợp đồng vay tài sản.

Câu hỏi: Xin chào Luật Minh Gia. Em có 1 câu hỏi xin được Luật Minh Gia tư vấn cho ạ. Em có 1 người bạn khá là thân . Thời gian vừa qua anh ta mở dịch vụ bán thẻ điện thoại/game online trực tuyến. Vì em là người thân thích nên anh ta cho lấy thẻ ghi nợ và số tiền lên tới 20 triệu đồng. Thời gian vừa qua do thiếu thốn cộng với bên cung cấp thẻ đòi vốn và lãi thẻ hàng tháng nên anh ấy đòi em trả tiền cho anh ấy. Vì là thu nhập không nhiều nên mỗi tháng em trả tiền gốc cho anh ấy 1 chút. Xong vì anh ấy liên tục giục nên vì anh em bạn bè thương nhau nên em có "nói" là: "thôi thì có gì tao chịu nửa lãi với mày". Lúc em nói điều này em cũng không lập hợp đồng hay giấy tờ liên quan gì hết cả, em cũng không đứng tên, cắm ký giấy tờ gì hết. Nhưng vì thu nhập ít như đã nói ở trên nên cho đến nay số tiền đã lên tới 40 triệu đồng. Và bây giờ anh ta cũng đẩy hết lãi sang để em nộp. Không biết là anh này vay bên cung cấp thẻ như nào mà tháng nào tiền lãi cũng tận 3 triệu 500 nghìn. Vậy em muốn nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp em. Trong tình hiện tại thì việc này có được coi là em vay người ta và có trách nhiệm phải trả lãi cho người ta không ạ? Trường hợp này nếu người ta kiện thì em có bị liên đới không ạ? Với số tiền lãi hàng tháng như vậy là quá cao so với thu nhập của em cộng với việc phải đóng trả lãi từ một khoản "vay" mà thậm chí mình còn không đứng tên làm em rất mệt mỏi. Mong rằng Luật Minh Gia sớm có phản hồi giúp em, em xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất, giữa anh và nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online không hình thành hợp đồng vay tài sản. Theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản:

“ ​Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 Như vậy, căn cứ vào quy định của BLDS, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả nợ, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng. Theo đó, trong tình huống này chủ thể của hợp đồng vay tài sản ở đây được xác định là anh M và nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online, còn anh và nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online không phát sinh bất kỳ một quan hệ vay tài sản nào.

Do giữa hai người không hề giao kết một hợp đồng nào bằng cả hình thức miệng hay văn bản, trong khi đó anh còn không biết mặt người cung cấp thẻ điện thoại/game online là ai thì không thể hình thành hợp đồng vay tài sản giữa anh và anh ta được. Có chăng việc anh lấy lại thẻ điện thoại/game online từ người bạn của mình là anh M để bán thì lúc này anh đã xác lập quan hệ vay tài sản đối với anh M và  anh phải có nghĩa vụ trả nợ với anh ta mà thôi.

Thứ hai, do anh không phải là một chủ thể trong quan hệ vay tài sản nên anh không phải có nghĩa vụ trả lãi cho nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online trong trường hợp này. Như đã phân tích ở trên, do anh và nhà cung cấp thẻ không có bất cứ quan hệ vay tài sản nào nên cũng không phát sinh nghĩa vụ trả lãi của anh. 

Theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về  nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Do đó, chỉ khi được xác định là một chủ thể của hợp đồng vay tài sản thì anh mới phải có nghĩa vụ trả nợ cũng như trả lãi cho chủ thể kia. Nên căn cứ vào trường hợp của anh có thể thấy anh không phải thực hiện nghĩa vụ liên đới trả lãi cho nhà cung cấp thẻ điện thoai/game online mà người có  nghĩa vụ trả lãi phải là anh M-bạn anh vì dựa trên hợp đồng vay tài sản được xác lập giữa anh ta và nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online.

Thứ ba, anh không phải liên đới thực hiện nghĩa vụ nếu như bị kiện ra tòa. 

Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau:

“ ​Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ. ” 

Do đó, căn cứ theo quy định của pháp luật để được xác định là có nghĩa vụ liên đới thì giữa anh và anh M phải cùng giao kết hợp đồng vay tài sản với nhà cung cấp thẻ điện thoại/game online, và chỉ khi đó nếu như nhà cung cấp kia kiện vì các anh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn và họ yêu cầu anh M phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với họ và sau đó anh ta yêu cầu anh phải hoàn trả phần nghĩa vụ mà anh ta đã thực hiện thay cho anh đối với nhà cung cấp thì lúc này anh được xác định là người có nghĩa vụ liên đới. Tuy nhiên, trong trường hợp này giữa anh và nhà cung cấp do không có bất cứ quan hệ vay tài sản nào nên anh sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ liên đới với hợp đồng vay giữa anh M và họ. Anh chỉ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình đối với anh M mà thôi.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo