Trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông gây hậu quả chết người
Ba tôi bị xe oto của công ty V.. đi ngược chiều chạy qua phần đường ngược chiều mà Ba tôi đang điều khiển Xe máy tông trực diện . Tài xế điều khiển xe oto đang trong tình trạng say xỉn ( sau khi bị giam giữ 5 tiếng thì nồng độ cồn vẫn vượt quá quy định cho phép). Sau khi gây tai nạn xong tài xế không cho người dân đưa Ba tôi đi cấp cứu, sau khi cự cãi với người dân thì tài xế đã bỏ trốn. Ba tôi đã chết trên đường đến bệnh viện. Theo kết quả xét nghiêm pháp y Ba tôi mất do dập tim, gan, lá lách, gãy 6 cái xương sườn ( xương sườn đâm ngược vào phổi), chảy máu trong, nội tạng bị chạy ngược lên lòng ngực.
Hiện tại Ba tôi là con trai trưởng và là con trai một trong gia đình đồng thời cũng là lao động chính trong gia đình đang nuôi mẹ già 70 tuổi cùng vợ 55 tuổi ( quá tuổi lao động) và con trai 13 tuổi ( Ba tôi 49 tuổi).
Xin luật sư tư vấn dùm cá nhân tài xế và pháp nhân công ty sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào và bồi thường ra sao?
Cám ơn luật sư.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cho biết, ba bạn bị ô tô đi ngược chiều tông trực diện, khiến ba bạn đang điều khiển xe máy tử vong. Như vậy, trong trường hợp này, để xác định trách nhiệm pháp lý của các bên thì phải căn cứ vào yếu tố lỗi được xác định trong biên bản điều tra tai nạn giao thông của cơ quan công an. Theo đó, bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây ra tai nạn của mình nếu gây hậu quả nghiệm trọng.
Với trường hợp của ba bạn, chúng tôi chia thành các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nguyên nhân tai nạn là hoàn toàn do lỗi của người tài xế lái ô tô (vi phạm luật giao thông đường bộ: đi ngược chiều, điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) làm thiệt hại vềtính mạng của ba bạn.
Trong trường hợp này, nếu có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
…”.
Ngoài vấn đề phải chịu trách nhiệm hình sự, người tài xế phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, đối chiếu quy định trên, về mức bồi thường các bên có thể thương lượng, thỏa thuận với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, có thể yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế.
Trường hợp 2: Người tài xế được xác định là không có lỗi và việc xảy ra tai nạn dẫn đến thiệt hại về tính mạng là do hoàn toàn lỗi của ba bạn. Trong trường hợp này, người tài xế sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khoản chi phí nào cho gia đình bạn. Ngược lại, phía người tài xế còn có thể yêu cầu gia đình bạn bồi thường nếu họ có thiệt hại về sức khỏe và tài sản.
Trường hợp 3: Ba bạn và phía người tài xế được xác định là cùng có lỗi (lỗi hỗn hợp) trong việc gây ra tai nạn và dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này, căn cứ theo nguyên tắc phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 và căn cứ phát sinh thiệt hại được quy định tại Mục 1 Phần 1 Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP thì cả 02 bên đều phải có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại xảy ra do hành vi của mình gây nên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông gây hậu quả chết người . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn giao thông trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
CV B.T.Ngần - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất