Lò Thị Loan

Trách nhiệm của người quản lý di sản thừa kế được chỉ định trong di chúc?

Luật sư tư vấn về: Trường hợp người con trai cả được bố mẹ để lại di chúc giao quản lý di sản sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng và chăm sóc người em gái Út bị bệnh thần kinh, nhưng lại muốn giao cho vợ chồng người con trai quản lý phần di sản này. Ngoài ra người con trai cả còn muốn tự ý chuyển nhượng phần di sản này sang tên của mình.

 

Luật sư tư vấn về: Kính gửi : văn phòng Luật sư Minh Gia Hôm nay tôi gửi thư đến văn phòng luật sư có những sự việc cần tư vấn như sau :Ba má tôi có 8 người con trong đó cô con gái út bị bệnh đao Ba má  tôi đã mất và có lập di chúc giao quyền quản lý tài sản của ông bà cho con trai với nội dung cụ thể như sau : Vợ chồng chúng tôi đồng sở hữu thửa đất số 134 , diện tích 200m2 ...tại địa chỉ ABCD ...trên thửa đất này chúng tôi có xây 1 ngôi nhà trệt và phía sau nhà có xây dãy nhà trọ cho thuê .Sau khi vợ chồng chúng tôi qua đời bất động sản của chúng tôi nêu trên giao lại cho con trai chúng tôi là :  Nguyễn Văn A quản lí di sản trên dùng vào việc thời cúng , nguồn hoa lợi thu được từ việc kinh doanh nhà trọ dùng để tu bổ ngôi nhà chính và nuôi dưỡng con gái Út chúng tôi tên là : Nguyễn Thị C bị bệnh thần kinh ( mất năng lực hành vi dân sự ) cho đến khi qua đời .ông Nguyễn Văn A chỉ quản lí di sản vào việc thờ cúng , không được quyền chuyển nhượng , tặng cho , thế chấp , cho thuê , cho mượn , góp vốn dưới bất cứ hình thức nào.ông bà có 8 người con , người con trai cả là người ông bà lập di chúc giao quyền quản lí di sản .Tôi có những câu hỏi cần thư vấn như sau :

-     Hiện tại anh trai tôi đang có ý định để cho vợ chồng con trai của anh trai tôi quản lí di sản và chăm sóc em gái Út bệnh thần kinh , điều này làm cho chị em chúng tôi lo lắng và thấy bất mãn , không yên tâm trong việc chăm sóc em gái Út , trong trường hợp này chúng tôi phải làm sao ? chúng tôi muốn anh trai chăm sóc or là anh chị em khác đến chăm sóc em gái Út tôi được không ?

-     Anh trai tôi đang giữ giấy tờ nhà và các giấy tờ liên quan đến di sản của ba má tôi để lại : trong trường hợp này các anh chị em khác có quyền yêu cầu anh trai đưa ra tất cả cái giấy tờ có liên quan đến di sản để anh chị em xem và công chứng cho các anh chị em mỗi người 1 bản không ? Các anh chị em trong gia đình đang có ý định họp gia đình bầu cử ra một người có uy tín để giữ giấy tờ chủ quyền nhà của ba má tôi trường hợp này có được không ?

-     Trong trường hợp gia đình anh trai tôi có ý định làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà của ba má tôi sang tên anh trai tôi trái phép thì anh chị em tôi phải làm như thế nào để không xảy ra việc này .Mong sớm nhận được hồi âm của quí văn phòng .Chân thành cám ơn và kính chào .

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo điều 617, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc như sau:

 

“1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:

 

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

 

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

 

c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;

 

d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

 

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.”

 

Nếu anh A muốn để cho vợ chồng người con trai quản lý di sản thừa kế này thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của những người đồng thừa kế. Nếu một trong số những người anh chị em của bạn muốn thay anh A chăm sóc người em út thì phải nhận được sự đồng ý của anh A và những người thừa kế còn lại.

 

Các anh chị em trong gia đình bạn có thể yêu cầu anh A đưa ra tất cả cái giấy tờ có liên quan đến di sản để những người đồng thừa kế xem và công chứng cho mỗi người 1 bản cũng như bầu cử ra một người có uy tín để giữ giấy tờ chủ quyền nhà của ba má bạn để lại. Đây chỉ đơn giản là sự thỏa thuận giữa những người thừa kế với nhau.

 

Điều 645, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

 

“1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

 

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.”

 

Trong di chúc của bố mẹ bạn để lại có ghi như sau: “Ông Nguyễn Văn A chỉ quản lí di sản vào việc thờ cúng, không được quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê, cho mượn, góp vốn dưới bất cứ hình thức nào.” Do vậy, anh A không được phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhà sang tên anh A được. Nếu anh A tự ý chuyển ngượng quyền sỏ hữu căn nhà sang tên mình mà không được sự cho phép của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền khởi kiện để bác quyền quản lý của anh A và chỉ định người khác đứng ra quản lý phần di sản này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Hương Giang - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo