Luật sư Trần Khánh Thương

Giấy bảo lãnh vay tiền thế hiện thế nào để đảm bảo quyền?

Hợp đồng vay tài sản là một loại hợp đồng dân sự phổ biến, được quy định cụ thể trong Bộ Luật dân sự 2015. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định liên quan đến hợp đồng vay tài sản. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng dẫn đến rủi ro cho cả bên vay và bên cho vay. Dưới đây là một tình huống liên quan đến hợp đồng vay tài sản này, quý khách có thể tham khảo. Ngoài ra, nếu quý khách có nhu cầu tư vấn cụ thể các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng vay tài sản quý khách có thể liên hệ đến Luật Minh Gia để được chúng tôi tư vấn cụ thể vấn đề của mình.

Nội dung câu hỏi: Tôi có anh bạn làm giám đốc của 1 công ty cho vay nóng và có nói với anh bạn này cho người khác (A) vay tiền. Cụ thể: A cần vay 30.000.000 VNĐ nên có ý cầm cố xe máy để được vay tiền nhưng chiếc xe không có được giá trị như trên nên nhờ tôi nói "đỡ" để được vay. Bạn tôi là giám đốc của công ty chuyên cho vay nên đồng ý và đã làm giấy tờ cho vay bao gồm + Đăng ký xe máy (không thu xe, vẫn để xe cho người vay sử dụng); + Giấy vay (người vay ký và lăn tay); Nhưng đến nay do "bể nợ" nên người vay tiền trốn mất, nên bạn tôi muốn tôi phải chịu trách nhiệm và trước mắt là thanh toán lãi phát sinh hàng tháng do khoản nợ sinh ra cho đến khi thu hồi được tiền của người kia (bao gồm tiền nợ gốc và lãi, phần lãi thì trả lại cho tôi) vì vậy tôi muốn hỏi:

1. Vấn đề này là do lỗi của tôi nên tôi cũng không muốn lằng nhằng, khó ăn nói với anh bạn làm giám đốc bên công ty cho vay tiền nên tôi xác định sẽ trả số tiền 30.000.000 VNĐ thay cho người vay, việc này có đúng pháp luật không, khi làm thủ tục trả tiền cần có những giấy tờ nào không?

2. Sau này tôi muốn đòi lại số tiền trên từ người vay kia thì phải làm thế nào? nên có giấy tờ như thế nào (vì hiện tại tôi vẫn đang tìm người này)?

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, xác định người có nghĩa vụ trả nợ:

Theo thông tin anh cung cấp, anh có giới thiệu A đến vay tài sản của bạn mình là giám đốc công ty cho vay, người trực tiếp ký hợp đồng vay tài sản với người bạn giám đốc là bạn A, anh không ký vào bất cứ nội dung nào trên hợp đồng vay tài sản, trên thực tế anh cũng không nhận được tài sản vay. Do vậy, giữa anh và người bạn giám đốc không phát sinh quan hệ vay tài sản. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì: “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Bên cạnh đó, tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Căn cứ theo quy định này thì xác định giữa anh và người bạn giám đốc không phát sinh hợp đồng vay tài sản do đó cũng không phát sinh nghĩa vụ trả khoản nợ 30 triệu đồng này đối với anh. Việc anh giới thiệu bạn A đến vay tiền của người bạn giám đốc và việc anh nói “đỡ” để người bạn giám đốc cho bạn A vay tiền không phải là căn cứ để xác định anh có nghĩa vụ trả tiền khi bạn A vi phạm nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng vay tài sản.

Nếu anh vẫn đồng ý trả tiền cho người bạn giám đốc thì đây là thỏa thuận dân sự giữa anh và người bạn giám đốc, khi hoàn trả khoản tiền này các bên nên có xác nhận ghi nhận đã trả đủ số tiền 30 triệu bạn A vay cho người bạn giám đốc.

Thứ hai, về việc đòi lại khoản tiền từ bạn A:

Như đã phân tích tại phần thứ nhất, do người ký hợp đồng vay tiền với người bạn giám đốc là bạn A do đó bạn A có nghĩa vụ thanh toán tiền cho người bạn giám đốc, việc anh tự ý trả tiền cho bạn mình mà không có sự đồng ý của bạn A có thể dẫn đến rủi ro về sau bạn A không đồng ý trả tiền cho anh do giữa bạn A và anh không phát sinh hợp đồng vay tài sản.

Do vậy, để đảm bảo tránh rủi ro về sau cho anh thì ngoài văn bản xác nhận anh đã trả đủ số tiền bạn A vay cho người bạn giám đốc thì giữa anh và người bạn giám đốc có thể có thêm văn bản ủy quyền thể hiện nội dung người bạn giám đốc đồng ý để anh thay mặt họ lấy lại số nợ này từ bạn A, toàn bộ số nợ sau khi lấy được sẽ thuộc sở hữu của anh.

Trong trường hợp anh liên hệ được với bạn A trước khi anh trả tiền cho người bạn giám đốc thì các bên có thể ký thỏa thuận ba bên, nội dung thể hiện anh sẽ thay mặt bạn A trả số nợ bạn A đang vay và bạn A có nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền này cho anh trong khoảng thời gian các bên thỏa thuận.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo