Phương Thúy

Tra cứu mã số thuế thế nào? Cách tra cứu mã số thuế cá nhân

Từ xưa đến nay, thuế được coi là một phương tiện để Nhà nước huy động và tập trung nguồn của cải vật chất vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế và đảm bảo sự cân bằng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội. Theo quy định của Luật quản lý thuế, Cơ quan quản lý thuế sẽ cấp cho người nộp thuế một mã số thuế để phục vụ cho việc giám sát nghĩa vụ của người nộp thuế.

Hiện nay Tổng cục thuế đã thiết lập hệ thống tra cứu mã số thuế online về tra cứu người nộp thuế để phục vụ cho quá trình giám sát và sử dụng mã số thuế. Dưới đây là những cách thức mà Luật Minh Gia khuyến nghị khách hàng trong quá trình tra cứu mã số thuế.

I. Tổng quan về mã số thuế

1. Mã số thuế là gì?

Khoản 5 Điều 3 Luật quản lý thuế 2019 quy định về mã số thuế như sau:

5. Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.

Đối chiếu với quy định nêu trên, người nộp thuế có thể là cá nhân, tổ chức hoặc chủ thể khác phụ thuộc vào từng loại thuế mà người nộp thuế phải nộp.

2. Đặc điểm của mã số thuế

Thứ nhất, mỗi người nộp thuế sẽ có một mã số thuế khác nhau

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 thì: “Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó

Và điểm d khoản 3 Điều 30 Luật quản lý thuế 2019 quy định “Mã số thuế đã cấp không được sử dụng lại để cấp cho người nộp thuế khác”.

Do vậy sẽ không có trường hợp hai cá nhân trở lên có cũng một mã số thuế. Điều này xuất phát từ việc, mã số thuế cá nhân là phương tiện để Cơ quan nhà nước quản lý, giám sát sự chấp hành pháp luật của người nộp thuế, do mỗi người sẽ có nghĩa vụ nộp thuế khác nhau nên việc quy định mỗi người một mã số thuế sẽ phục vụ cho quá trình giám sát dễ dàng, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Thứ hai, mã số thuế được cấp bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật quản lý thuế 2019 thì “Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế”.

Do đó chỉ có Cơ quan thuế mới có thẩm quyền cấp mã số thuế. Việc Cơ quan thuế cấp mã số thuế sẽ đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình quản lý thuế thu nhập cá nhân.

Thứ ba, mã số thuế được cấp theo một cấu trúc nhất định

Mã số thuế sẽ bao gồm hai 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác, cụ thể là:

- Đối với mã số thuế gồm 10 chữ số: Mã số thuế này được sử dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân nhưng trực tiếp phát sinh nghĩa vụ thuế; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác (được gọi là đơn vị độc lập).

- Đối với mã số thế gồm 13 chữ số và ký tự khác: Mã số thuế này được cấp cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.

Bên cạnh đó, cấu trúc của mã số thuế được quy định chặt chẽ tại Điều 5 Thông tư 105/2020 TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế nên người nộp thuế có thể tham khảo Thông tư này để hiểu rõ hơn về cấu trúc mã số thuế.

II. Tra cứu mã số thuế

1. Tra cứu mã số thuế mà người nộp thuế không phải là cá nhân

Bước 1: Truy cập vào trang website: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp của Tổng cục thuế Việt Nam để kiểm tra mã số thuế.

Bước 2: Tại trang web này người tra cứu có thể sử dụng thông tin sau để tra cứu: Tên tổ chức, địa chỉ trụ sở kinh doanh, số CMND hoặc CCCD của người đại diện để tra cứu mã số thuế của người nộp thuế không phải là cá nhân. Sau khi nhập các thông tin nêu trên thì người tra cứu phải nhập “mã xác nhận” hiện trên trang wed và nhấp vào mục “tra cứu”.

- Trường hợp đã đã đăng ký mã số thuế thì Bảng tra cứu thông tin sẽ có các mục bao gồm: Mã số thuế, tên người nộp thuế, Cơ quan thuế, Số CMND hoặc số CCCD, ngày thay đổi thông tin gần nhất và ghi chú.

- Trường hợp thông tin tra cứu không chính xác hoặc người nộp thuế chưa đăng ký mã số thuế thì trang wed sẽ hiển thị mục “không tìm thấy kết quả”. 

2. Tra cứu mã số thuế cá nhân

Cách 1: Tra cứu mã số thuế tại Cơ quan thuế

Người nộp thuế muốn tra cứu mã số thuế cá nhân có thể sử dụng căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân đã đăng ký thuế để đề nghị Cán bộ thuế hỗ trợ cung cấp thông tin về mã số thuế.

Cách 2: Tra cứu mã số thuế online

Truy cập vào trang website: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp của Tổng cục thuế Việt Nam để kiểm tra mã số thuế. Tại trang wed này người nộp thuế phải nhập số CMND hoặc CCCD và “mã xác nhận” hiện trên trang wed sau đó nhấp vào phần “tra cứu”.

- Trường hợp đã đã đăng ký mã số thuế thì Bảng tra cứu thông tin sẽ có các mục bao gồm: Mã số thuế, tên người nộp thuế, Cơ quan thuế, Số CMND hoặc số CCCD, ngày thay đổi thông tin gần nhất và ghi chú.

- Trường hợp thông tin tra cứu không chính xác hoặc người nộp thuế chưa đăng ký mã số thuế thì trang wed sẽ hiển thị mục “không tìm thấy kết quả”.

---

III. Thủ tục cấp lại thẻ mã số thuế cá nhân

Khi Thẻ mã số thuế cá nhân mất, rách, nát thì người nộp thuế thực hiện đầy đủ thủ tục để được cấp lại Thẻ mã số thuế cá nhân, cụ thể như sau:

- Cách thức thực hiện cấp lại mã số thuế cá nhân

+ Trực tiếp tại trụ sở Cơ quan thuế: Chi cục Thuế.

+ Thông qua hệ thống bưu chính

- Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ, bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp lại Thẻ mã số thuế cá nhân theo mẫu 13-MST (ghi số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nơi đăng ký cấp thẻ trước đây)

b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

- Thời hạn giải quyết:

Chậm nhất không quá 3ngày làm việc tính từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp thuế.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chi cục Thuế

+ Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Chi cục Thuế

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thẻ mã số thuế cá nhân.

- Phí, lệ phí (nếu có): Không.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có):

+ Đơn đề nghị cấp lại Thẻ mã số thuế cá nhân theo mẫu

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không.

---

IV. Đăng ký mã số thuế hộ kinh doanh cá thể thế nào?

Câu hỏi:

Kính gửi luật sư! Luật sư cho em hỏi, hiện tại em mới kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có giấy phép kinh doanh em muốn hỏi một số câu hỏi như sau.

1. Em muốn làm con dấu vuông thể hiện tên cơ sở kinh doanh, MST, địa chỉ có được không?

2. Em muốn đăng ký MST hộ kinh doanh thì cần những mẫu nào hay những văn bằng nào và nộp ở đâu?

3. Khi đăng ký MST thì mình có cần xin giấy phép kinh doanh trước không và xin ở đâu. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Quy định về đăng ký hộ kinh doanh

Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015 về đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh như sau:

''Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh."

Như vậy trước tiên bạn muốn thành lập hộ kinh doanh cá thể bạn phỉa làm hồ sơ để xin giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Hồ sơ và trình tự thủ tục bạn thực hiện theo quy định

Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

- Ngành, nghề kinh doanh;

- Số vốn kinh doanh;

- Số lao động;

- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Đối với thuế của hộ kinh doanh

Các loại thuế phải nộp gồm có:

+ Thuế môn bài

Tùy theo thu nhập hàng tháng của hộ kinh doanh mà có mức thuế môn bài phải nộp tương ứng

Bậc thuế

Thu nhập 1 tháng

Mức thuế cả năm

1

Trên 1.500.000

1.000.000

2

Trên 1.000.000 đến 1.500.000

750.000

3

Trên 750.000 đến 1.000.000

500.000

4

Trên 500.000 đến 750.000

300.000

5

Trên 300.000 đến 500.000

100.000

6

Bằng hoặc thấp hơn 300.000

50.000

+ Thuế giá trị gia tăng

Theo phương pháp thuế khoán, dựa trên doanh thu trong từng lĩnh vực, ngành, nghề để nộp thuế theo tỷ lệ:

- Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%.

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%.

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%.

- Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

(Theo Luật thuế GTGT sửa đổi 2013)

+ Thuế thu nhập cá nhân

Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế TNCN.

Trường hợp còn lại, cá nhân kinh doanh nộp thuế dựa trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành, nghề sản xuất kinh doanh (theo phương pháp khoán):

- Phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%

- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%.

Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%.

- Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%.

- Hoạt động kinh doanh khác: 1%. (Theo Công văn 17526/BTC-TCT năm 2014, Luật sửa đổi các Luật về thuế)

+ Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

Tại Điểm a Khoản 4 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định trước ngày 15/12 hàng năm hộ nộp thuế khoán phải khai và nộp tời khai thuế của năm sau cho cơ quan thuế.

Khoản 8 Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định căn cứ vào tài liệu khai thuế của hộ nộp thuế khoán, kết quả điều tra thực tế, biên bản họp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, tổng hợp ý kiến nộp thuế khoán phản hồi khi niêm yết công khai Chi cục Thuế thực hiện lập và duyệt Sổ bộ thuế. Tiền thuế khoán được ổn định cho cả năm tính thuế.  Việc duyệt Sổ bộ thuế ổn định năm phải được thực hiện trước ngày 15 tháng 01 hàng năm.

Hộ nộp thuế khoán nghỉ hẳn kinh doanh đã được cơ quan thuế ban hành Quyết định miễn, giảm thuế phải được lập và theo dõi ở Danh sách hộ kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh được miễn, giảm thuế (Mẫu số 12/QTr-HKD) và cơ quan thuế phải công khai mẫu này.

Trên đây là hướng dẫn của Luật Minh Gia về mã số thuế, tra cứu mã số thuế và các vấn đề liên quan. Trường hợp gặp khó khăn trong quá trình tra cứu thì Quý khách hàng có thể liên hệ với Luật Minh Gia để có hướng dẫn thêm.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo