Phạm Việt Hằng

Tổ chức tín dụng là gì theo quy định của pháp luật ?

Tổ chức tín dụng là tổ chức kinh tế kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.

1. Khái niệm tổ chức tín dụng.

1.1. Định nghĩa tổ chức tín dụng

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 định nghĩa tổ chức tín dụng như sau: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vĩ mô và quỹ tín dụng nhân dân".

Như vậy về bản chất, tổ chức tín dụng vẫn là doanh nghiệp. Căn cứ vào phạm vi thực hiện nghiệp vụ kinh doanh, tổ chức tín dụng được phân chia làm hai loại: tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

- Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Tổ chức tín dụng là ngân hàng không bị hạn chế phạm vi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh như tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Ngoài các hoạt động kinh doanh ngân hàng, tổ chức tín dụng là ngân hàng còn được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác như bảo quản tài sản quý hiếm, tư vấn tài chính…

- Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không được cung cấp dịch vụ thanh toán.

Ngoài ra đối với tổ chức tín dụng đa năng thực hiện các hoạt động tổng hợp ngoài các hoạt động nghiệp vụ truyền thống còn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh không truyền thống khác như kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bảo hiểm,..... 

1.2. Đặc điểm tổ chức tín dụng

Thứ nhất, bản chất tổ chức tín dụng vẫn là doanh nghiệp nhưng khác với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân thì đối tượng kinh doanh chính ở đây xác định là tiền tệ. 

Thứ hai, nội dung kinh doanh chủ yếu của tổ chức tín dụng là kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ: Nhận tiền gửi; cấp tín dụng; Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Hoạt động kinh doanh này phải được diễn ra thường xuyên, mang tính chất ổn định và nghề nghiệp. 

Thứ ba, Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng mang tiềm ẩn rủi ro cao do tính kéo dài của các quan hệ kinh doanh. Những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng thường có tính phản ứng dây chuyền.

Thứ tư, Tổ chức tín dụng hoạt động dưới sự quản lý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam  và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng. Do tính đặc thù của hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng nên Nhà nước có các quy định áp dụng riêng cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất sở hữu của từng tổ chức tín dụng cụ thể mà các bộ phận pháp luật khác có liên quan được áp dụng. Chẳng hạn, Tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về ngân hàng vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật doanh nghiệp công ty cổ phần.

2. Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng.

Căn cứ theo Điều 6 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: 

- Tổ chức tín dụng được thành lập dưới dạng ngân hàng cổ phần trong nước sẽ được xác định là  công ty cổ phần. 

- Tổ chức tín dụng là ngân hàng nhà được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì sẽ do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thể được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng được thành lập với 100% vốn nước ngoài thì được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Những ngân hàng hợp tác xã và các quỹ tín dụng nhân dân được thành lập dưới các hình thức hợp tác xã.

- Tổ chức tài chính vi mô được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Quyền của tổ chức tín dụng. 

3.1. Quyền được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam

Căn cứ theo Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì:

 “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán".

Để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam cần phải có giấy phép. Điều kiện để được cấp giấy phép bao gồm các điều kiện sau:

+) Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

+) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;

+) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;

+) Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

+) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

3.2. Quyền được tự chủ hoạt động

Căn cứ theo Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì: 

Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

3.3. Quyền hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng

Căn cứ theo Điều 9 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì:

Thứ nhất, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng.

Căn cứ theo Điều 12 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì: 

Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:

a) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;

b) Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.

Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo