Nguyễn Thu Trang

Thuốc lắc là gì? Sử dụng thuốc lắc có vi phạm pháp luật?

Hiện nay, cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng. “Thuốc lắc” có phải ma túy không, sử dụng thuốc lắc có vi phạm pháp luật không sẽ được Luật Minh Gia phân tích cụ thể qua bài viết này.

1. Thuốc lắc là gì?

Trong các văn bản pháp luật không có định nghĩa về thuốc lắc, đây là cụm từ mọi người thường gọi để chỉ một chất ma túy thường được sử dụng tại các vũ trường, quán bar,… làm người dùng trở nên hưng phấn với nhạc cường độ lớn, ánh sáng,…

Thuốc lắc có tên khoa học là 3,4 - MethyleneDioxyl-MethamphetAmine (viết tắt MDMA, tên tiếng Anh là ecstasy), là một dạng ma túy được chế tạo tổng hợp bao gồm cả các chất dạng amphetamine và một số các chất gây ảo giác.

Thuốc lắc có công thức hóa học là: C11H15NO2

* Đặc điểm của thuốc lắc:

- Nguồn gốc: do tổng hợp, điều chế từ các chất hóa học. Thuốc lắc thường được sản xuất bất hợp pháp, tại Việt Nam hành vi sản xuất thuốc lắc là hành vi bị nghiêm cấm.

- Dạng tồn tại: chất rắn hoặc chất lỏng, thông thường tồn tại ở dạng viên nén hoặc dạng bột.

- Màu sắc: nhiều màu sắc khác nhau.

- Thành phần: chủ yếu là 3,4 - MethyleneDioxyl-MethamphetAmine, được pha trộn thêm một số chất ma túy và tạp chất khác.

2. Tác hại của thuốc lắc

Khoảng 10 – 20 phút sau khi uống thuốc lắc, thuốc sẽ tác động trực tiếp vào não, gây kích thích thần kinh trung ương, tạo ảo giác trong nhiều giờ liền. Thuốc làm cho người dùng tự tin, nhiệt độ cơ thể tăng, thích thực hiện những hành vi có cảm xúc mạnh như lắc lư quay cuồng, la hét, đập phá đồ đạc, cởi bỏ quần áo,… Người sử dụng thuốc lắc lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tâm thần.

Về thể chất, khi cơ thể bị kích động mạnh, trạng thái hưng phấn cao độ, hoạt động quá sức liên tục dẫn đến tiêu hao năng lượng lớn và mất nhiều nước,... Thuốc lắc kích thích hệ thần kinh, tạo ra trạng thái kích động và căng thẳng, gây mất ngủ triền miên, biếng ăn,... dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể.

Về tinh thần, thuốc lắc gây ra những rối loạn về tâm lý như lẫn lộn, trầm cảm, lo lắng và hoang tưởng. Cụ thể, thuốc lắc làm não tăng phóng thích 3 chất dẫn truyền thần kinh: serotonin, dopamine và norepinepherine. Sự phóng thích quá mạnh mẽ các chất dẫn truyền thần kinh có thể gây nên tình trạng cạn kiệt chất dẫn truyền xung động thần kinh, khiến các tế bào thần kinh bị chết dần. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn hoặc tê liệt nhiều cơ quan cơ thể. Chẳng hạn, có thể dẫn đến bệnh Parkinson với biểu hiện là các cơn run, co cơ, cử động khó khăn, di chuyển chậm.

3. Sử dụng thuốc lắc bị xử lý thế nào?

Hành vi sử dụng thuốc lắc được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy - hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, pháp luật Việt Nam không xử lý hình sự với hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” mà xử lý các hành vi khác liên quan đến ma túy như: Trồng các loại cây có chứa chất ma túy; Chiếm đoạt, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; Chiếm đoạt, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, mua bán dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sản xuất chất ma túy, tiền chất ma túy; tổ chức, chứa chất, lôi kéo, hoặc cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc lắc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;

d) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

…”

Đặc, biệt với người sử dụng thuốc lắc nhiều lần dẫn đến gây nghiện thì được coi là người nghiện ma túy (Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này - khoản 12 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021). Theo đó, khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định: “1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”. Như vậy, nếu cơ quan có thẩm quyền có cơ sở xác định người sử dụng thuốc lắc là người nghiện ma túy thì ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169