Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thừa kế về nghĩa vụ tài sản của người chết để lại

Luật sư tư vấn về trách nhiệm của người thừa kế đối với nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan quy định như thế nào? cụ thể như sau:

Câu hỏi: Tôi có cho 1 người bạn (ông A) vay 1 số tiền để làm ăn 100 triệu lãi suất phải trả mỗi tháng là 5 triệu. 2 bên có làm hợp đồng nhưng không qua công chứng.  nhưng sau khi vay được 1 thời gian thì bạn tôi bị ốm và mất. như vậy tôi làm như thế nào để thể lấy lại số tiền vốn trên. với lãi suất như trên có vi phạm pháp luật về cho vay nặng lãi không. Trường hợp tôi là  đảng viên như thế có ảnh hưởng gì không nếu khởi kiện. Mong luật sư tư vấn giúp .

Trả lời: Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

1. Về nghĩa vụ trả nợ:

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bạn và ông A đã giao kết hợp đồng vay tài sản bằng văn bản nhưng không qua công chứng. Pháp luật không quy định hợp đồng vay tiền phải được giao kết bằng một hình thức nhất định nên hợp đồng này được thực hiện theo quy định chung của hợp đồng dân sự: giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

Hợp đồng vay tài sản giữa bạn và ông A đã phát sinh nghĩa vụ của ông A đối với bạn.

Khi ông A chết, nghĩa vụ này được chuyển giao cho những người thừa kế của ông A theo quy định tại Điều 615 BLDS 2015 về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân. 

Theo quy định nêu trên thì nghĩa vụ của ông A sẽ do những người thừa kế của ông A thực hiện (Trong trường hợp ông A có tài sản để lại). Để đòi lại số tiền đã cho ông A vay thì trước tiên bạn có thể thỏa thuận với các thừa kế của ông A thực hiện nghĩa vụ này. Trường hợp không thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu các thừa kế của ông A thực hiện nghĩa vụ do ông A để lại.

2. Về lãi suất cho vay

Theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015 thì:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương không vượt quá 1,67%/tháng.

Bạn cho vay 100 triệu đồng với lãi suất 5 triệu đồng/tháng (5%/tháng) như vậy là đã vượt quá lãi suất cho vay mà pháp luật quy định. Và khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 1,67%/tháng mà chỉ được tính ở mức lãi suất theo tháng tối đa nhà nước cho phép là 1,67%. Tuy lãi suất bạn đưa ra cao hơn mức cho phép của nhà nước, nhưng chưa đến mức độ bị xử lý hình sự với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 – Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất154 quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Hiện nay bạn chưa lấy được tiền gốc với tiền lãi nên bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, khi khởi kiện ra Tòa án thì bạn chỉ được hưởng lãi suất là 20%/năm (tức1,67%/tháng). Đối với phần lãi suất vượt quá lãi suất nhà nước cho phép, quyền lợi của bạn sẽ không được bảo vệ.

Với lãi suất cho vay là 5%/tháng chưa đủ yếu tố để cấu thành Tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Quy định số 47/QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm của Ban chấp hành Trung ương ban hành thì một trong những điều Đảng viên không được làm đó là "cho vay trái quy định của pháp luật".

Đảng viên vi phạm Quy định này là vi phạm kỷ luật Đảng. Nếu vi phạm thì tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý công minh, chính xác kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thừa kế về nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo