Luật sư Vũ Đức Thịnh

Thủ tục khởi kiện đòi nợ cá nhân như thế nào?

Hiện nay trên thực tế có rất nhiều những trường hợp tranh chấp về hợp đồng vay tiền và vay tài sản mà các bên tranh chấp chủ yếu có mối quan hệ thân thiết dẫn đến khi thực hiện vay tiền, vay tài sản các bên không hề có bất cứ một thỏa thuận hay hợp đồng giao kết nào. Từ đó khiến cho quá trình giải quyết tranh chấp về vay tiền, tài sản của Tòa án gặp nhiều khó khăn, bên cho vay không thể đảm bảo hết quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

1. Tư vấn trường hợp vay tiền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ

Câu hỏi:

Cho em hỏi. Khoảng tháng 9 năm 2016 em có cho bạn đưa cho bạn 500 triệu đồng để góp vốn làm ăn chung. Nhưng sau đó em rút lui ko làm nữa. Bạn em đã trả em 450 triệu. Nhưng còn 50 triệu thì bạn ấy không chịu trả mà lại còn chối là không có cầm của em 50 triệu nào cả, vậy cho em hỏi hành vi như trên em phải làm gì để đòi lại số tiền đó?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về tính pháp lý của thỏa thuận vay tiền của hai bên

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì tháng 9/201x bạn có cho bạn của mình vay 500 triệu đồng để góp vốn làm ăn chung và họ đã trả cho anh 450 triệu đồng và còn 50 triệu đồng thì lại từ chối không chịu trả. Trong trường hợp này hai bên không hề có ký kết hợp đồng vay tiền hay góp vốn đầu tư vì vậy bây giờ bạn cần tìm những căn cứ để chứng minh việc bạn có cho vay 500 triệu và người bạn đó của mình có thực hiện thanh toán 450 triệu và còn dư nợ lại là 50 triệu. Những căn cứ đó có thể là giấy biên nhận tiền, thông tin chuyển khoản ngân hàng,…

Thứ hai, về cách khởi kiện người vay tiền không trả

Theo quy định tại Điều 466 Bộ Luật dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên vay

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo đó, bạn của bạn là bên vay phải có nghĩa vụ trả đủ số tiền vay khi đến hạn và thanh toán đầy đủ các khoản tiền lãi (lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả). Nếu bạn của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu khởi kiện đòi nợ tiền cho vay lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (người vay tiền) cư trú để đảm bảo tốt nhất quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Về trình tự, thủ tục thực hiện khởi kiện bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn phía dưới.

---

2. Trình tự, thủ tục thực hiện khởi kiện yêu cầu đòi lại tiền vay

Câu hỏi:

Chào anh, chị.em muốn anh, chị tư vấn cho e về thủ tục giả quyết nợ nần.Em hiện đang có một đại lý nhỏ bán thức ăn chăn nuôi. Em có đầu tư cám cho một hộ gia đình với số tiền khoảng hơn 30 triệu. Nhưng khi hộ gia đình đó xuất bán xong không thanh toán số tiền em đầu tư. Em cũng đã nhiều lần thúc giục hộ đó thanh toán nhưng ko được.Em đã bắt họ làm một bản cam kết ngày trả nợ, số tiền nợ và số tiền lãi. Cả hai bên đã kí vào bản cam kết. nhưng tới nay, đã gần 1 năm hộ gia đình đó vẫn chưa thanh toán số tiền gốc và lãi cho em. Vậy em muốn hỏi là trong trường hợp này em nên làm thế nào. Nên gửi đơn  hoặc thư tới cơ quan nào và các bước như thế nào ạ. Em xin chân thành cảm ơn !Thân chào

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung yêu cầu tư vấn như sau:

Thứ nhất, về tính pháp lý của thỏa thuận vay tiền để đầu tư của các bên

Theo những thông tin bạn cung cấp thì bạn có cho một hộ gia đình vay 30 triệu để đầu tư mở đại lý thức ăn chăn nuôi, hai bên cũng đã có ký cam kết về ngày trả nợ, số tiền nợ và số tiền lãi. Tuy nhiên, đã sau một năm bên người vay vẫn chưa thanh toán tiền gốc và lãi. Xét các thông tin, chúng tôi thấy rằng tuy hai bên không có ký kết hợp đồng vay tiền hay đầu tư xong hai bên đã tiến hành ký kết một bản cam kết trong đó có ghi nhận nội dung về số tiền nợ, số tiền lãi và thời hạn trả. Đây là một căn cứ để xác định sự kiện bên bạn có cho gia đình người bạn mình vay một khoản tiền và cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết sau này.

Thứ hai, về trình tư, thủ tục giải quyết thanh toán nợ

Trước hết, bạn có thể thỏa thuận thêm về việc gia hạn thời gian thanh toán nợ cho bên vay, nếu trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được về thời hạn thực hiện thanh toán thì bạn có thể thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục thực hiện khởi kiện yêu cầu đòi lại tiền vay

- Về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn yêu cầu khởi kiện đòi tiền vay

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Đồng thời, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Từ những căn cứ trên thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cho vay (bị đơn) cư trú.

- Về mẫu đơn xin khởi kiện đòi tiền vay

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn khởi kiện sau: 

>> Mẫu đơn khởi kiện

- Về thời hạn Tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện đòi nợ

Việc giải quyết đơn khởi kiện và yêu cầu khởi kiện đòi nợ được quy định tại các Điều từ 191 đến 220 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo đó:

 - Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn này trong thời gian 03 ngày làm việc.

 - Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; thụ lý vụ án; chuyển cho đơn vị khác hoặc trả lại đơn khởi kiện.

- Sau khi đơn khởi kiện được tiếp nhận, xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì Thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện đến nộp tiền tạm ứng án phí (nếu có). Người này phải nộp trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo và nộp lại biên lai cho Tòa.

- Trong thời hạn 03 ngày, Thẩm phán thông báo về việc thụ lý vụ án

-Thời hạn Tòa án chuẩn bị xét xử trong 04 tháng. Trong thời gian này, Tòa sẽ tiến hành lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, hòa giải... Nếu vụ án phức tạp hoặc có tình tiết bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.

Vậy thời hạn giải quyết tranh vay tiền của bạn có thể kéo dài từ 4 – 6 tháng tùy tính chất mức độ phức tạp của vụ việc.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo