Luật sư Trần Khánh Thương

Thủ tục giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông

Chào luật sư! Hiện tại bố cháu vừa mới mất do tai nạn giao thông hôm thứ 5 ngày 8/9 vừa qua. Gia đình cháu có một số thắc mắc sau mong luật sư giải đáp cho cháu.

 

1. Bố cháu bị tai nạn do có va chạm mạnh với xe chở cát nhg chưa có kết luận lỗi do ai. Khi GĐ cháu ra chỗ bố cháu gặp nạn thì hiện trường vụ tai nạn đã bị dọn dẹp sạch sẽ. Như vậy tài xế xe chở cát có bị tạm giam hay hình thức cưỡng chế nào không ạ?

 

2. Nhân chứng vụ án là bà con xa với tài xế xe, như vậy lời khai của nhân chứng có được chấp nhận hay không?

 

3. Sau tai nạn thì khi đo đạc hiện trường có ghi lại biên bản hay không và sau bao nhiêu ngày bên công an sẽ liên hệ lại để lấy lời khai?

 

Hiện tại GĐ cháu đang rất bức xúc vì bố cháu chết thảm nên mong luật sư có thể giải đáp thắc mắc để GĐ được phần nào giải toả. Cháu cảm ơn luật sư nhiều!

 

Trả lời:  Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn, trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc người lái xe có bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hay không.

 

Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ; Còn về phía người lái xe, dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính về điều kiện tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì "Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác". Do vậy, trường hợp trên, sau khi lập biên bản, lấy lời khai của người lái xe, cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người lái xe. Trường hợp sau khi xác định được lỗi, nếu hành vi của người lái xe có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố thì có thể ra quyết định bắt để tạm giam người phạm tội trong quá trình điều tra.

 

Thứ hai, về vấn đề lấy lời khai đối với vụ việc tai nạn giao thông

 

- Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan:

 

Nội dung lời khai phải làm rõ vị trí của phương tiện giao thông trên mặt đường, hướng chuyển động, tốc độ, các thao tác kỹ thuật, những nhận biết trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn… Nếu phát hiện người điều khiển phương tiện khai chưa đúng, mâu thuẫn với dấu vết ở hiện trường, ở phương tiện, mâu thuẫn với lời khai của người bị nạn, người làm chứng… thì phải kiểm tra, xác minh, nghiên cứu đặt câu hỏi cho phù hợp để làm rõ sự thật về vụ tai nạn giao thông.

 

- Ghi lời khai của người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông:

 

+ Trường hợp người bị thương nặng thì chỉ lấy lời khai khi được cán bộ y tế điều trị và người đó đồng ý; cần đặt câu hỏi ngắn gọn;

 

Nếu người đó có thể tử vong thì phải lấy sinh cung ngay. Trường hợp người bị nạn không thể nói được thì phải lập biên bản về việc đó và có xác nhận của cán bộ y tế điều trị;

 

+ Nội dung lời khai của người có liên quan phải đảm bảo khách quan, tỉ mỉ phản ánh tình hình trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Sau cùng phải hỏi họ nhận thức về vụ tai nạn giao thông đã xảy ra như thế nào.

 

- Ghi lời khai của những người làm chứng:

 

+ Trường hợp có nhiều người làm chứng thì lấy lời khai của từng người;

 

Nội dung lời khai phải thể hiện được:

 

Ví trí của người làm chứng (hướng nhìn, tầm nhìn xa, khoảng cách giữa người làm chứng đến nơi xảy ra tai nạn), họ có chú ý đến sự việc hay không, do đâu mà họ biết về vụ tai nạn;

 

Hướng chuyển động của các bên liên quan đến tai nạn (người và phương tiện);

 

Phần đường và tốc độ, thao tác xử lý của người điều khiển phương tiện trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, những tiếng động do va chạm giữa các phương tiện;

 

Phản ứng của những người có liên quan trước khi xảy ra tai nạn;

 

Vị trí của các phương tiện, người, đồ vật sau khi xảy ra tai nạn, vị trí đó có bị thay đổi không, nếu có thay đổi, xê dịch thì ai làm điều đó, vì sao;

 

Trạng thái tâm lý của người gây tai nạn biểu hiện ra bên ngoài (ảnh hưởng của chất kích thích rượu, bia…);

 

Các vấn đề khác có liên quan đến vụ tai nạn mà họ biết, còn ai biết về vụ tai nạn xảy ra.

 

Tổ chức cho người làm chứng thực nghiệm xác định tính khách quan, xác thực về lời khai (nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng).

 

Việc ghi lời khai của người liên quan và người làm chứng trong vụ tai nạn giao thông phải được lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của nhiều đối tượng và đem đối chiếu, nếu có dự không thống nhất thì phải tiến hành xác minh để làm rõ. Việc người họ hàng xa đó đứng ra làm chứng cũng không ngoại lệ, tức là cơ quan điều tra sẽ xác minh nội dung chứ không nhận định hoàn toàn trên cơ sở lời khai của một người làm chứng.

 

Thứ ba, Sau tai nạn thì khi đo đạc hiện trường có ghi lại biên bản hay không và sau bao nhiêu ngày bên công an sẽ liên hệ lại để lấy lời khai? 

 

Sau khi tiếp cận hiện trường, cảnh sát giao thông hoặc lực lượng cảnh sát khác tiến hành đưa người bị nạn đi cấp cứu và tổ chức bảo vệ hiện trường, chờ bộ phận khám nghiệm đến hiện trường rồi tiến hành bàn giao. Khi khám nghiệp hiện trường, bộ phận khám nghiệm phải lập thành biên bản với các nội dung sau:

 

- Phát hiện, xác định vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện để lại trên hiện trường;

 

- Đánh dấu vị trí các dấu vết, vật chứng, nạn nhân, phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết liên quan đến tai nạn trên phương tiện;

 

- Chụp ảnh (và quay camera nếu có) hiện trường chung, hiện trường từng phần; chụp ảnh dấu vết, vật chứng có liên quan;

 

Một trong những việc cần làm đầu tiên khi đến hiện trường là tìm những người biết vụ tai nạn xảy ra; ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại (nếu có) của người biết vụ tai nạn hoặc đề nghị người biết vụ tai nạn giao thông viết bản tường trình phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa quy định cụ thể thời gian bát buộc cơ quan điều tra phải triệu tậm người làm chứng đến lấy lời khai.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo