Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

Mất năng lực hành vi dân sự là tình trạng của một cá nhân do mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà không thể làm chủ được hành vi, nhận thức của mình và được cơ quan có thẩm quyền tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

1. Luật sư tư vấn pháp luật dân sự

Theo quy định của pháp luật dân sự, người mất năng lực dân sự khi thực hiện các giao dịch dân sự phải thông qua người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để thực hiện.

Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp thực hiện hợp đồng, giao dịch với người mất năng lực hành vi dân sự mà không thông qua người đại diện hoặc người giám hộ của họ dẫn đến hợp đồng, giao dịch không phù hợp và gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích của các bên.

Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến người mất năng lực hành vi dân sự thì bạn có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia thông qua các hình thức như gửi Email tư vấn hoặc gọi tới số 1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ giải quyết vấn đề này theo quy định pháp luật.

2. Thủ tục cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự

Câu hỏi: Khi làm thủ tục giám hộ ở xã có nhất thiết phải có bệnh án của người mất năng lực hành vi dân sự không? Những trường hợp này địa phương đã biết rõ và có trường hợp không thể giám định được vì điều kiện người được giám hộ già yếu, bệnh tật không thể đi làm thủ tục được.

Trả lời: Thủ tục giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

Đầu tiên, phải yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự:

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Điều 319 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung 2011 quy định về Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:

“1. Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật này.

3. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

4. Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.”

Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, thì người đó sẽ được giám hộ.

Điều 62 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:

“1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.”

Điều 63 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.”

Điều 64 Bộ luật dân sự 2005 quy định về thủ tục cử người giám hộ như sau:

“1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.”

Căn cứ vào các quy định trên đây, có thể thấy để cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự, thì trước hết phải có quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, và kèm theo đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Trường hợp người được giám hộ già yếu, bệnh tật không thể đi giám định tại các cơ quan chuyên môn được; thì kèm theo đơn yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự phải có các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo