Thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng
Mục lục bài viết
1. Khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng
Trình tự thực hiện khai nhận di sản thừa kế:
- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó nộp hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.
- Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.
- Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn mười lăm ngày.
- Nhận kết quả tại tổ chức hành nghề công chứng nơi nộp hồ sơ.
Cách thức thực hiện khai nhận di sản thừa kế:
Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng.
Thành phần hồ sơ:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch (Mẫu số 01/PYC);
- Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo);
- Bản sao giấy tờ tuỳ thân;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp di chúc liên quan đến tài sản đó;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
- Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn mười lăm (15 ngày);
- Thời gian thực hiện công chứng không quá hai (02) ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch yêu cầu công chứng phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá mười (10) ngày làm việc (Thời gian xác minh, giám định, niêm yết không tính vào thời hạn công chứng).
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức
Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổ chức hành nghề công chứng
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức hành nghề công chứng
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản công chứng
Lệ phí:
Mức phí công chứng văn bản khai nhận di sản (tính trên giá trị di sản) được tính như sau:
STT |
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 |
Dưới 50 triệu đồng |
50 nghìn |
2 |
Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng |
100 nghìn |
3 |
Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng |
0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 |
Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng |
01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 |
Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng |
2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 |
Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng |
3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 |
Trên 10 tỷ đồng |
5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng (mức thu tối đa không quá 10 triệu đồng/trường hợp) |
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính (nếu có): Không
---
2. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật
Câu hỏi:
Bố tôi có 1 khối tài sản nho nhỏ nhưng sau khi bố tôi mất lại không để lại di chúc hay nói ai sẽ là người thừa kế tài sản đó, mà bố tôi lại có 2 người con là tôi là chị tôi nhưng lại cùng cha khác mẹ. Người vợ trước của bố tôi (là mẹ của chị tôi) không có giấy đăng ký kết hôn, sau khi chung sống 1 thời gian thì lại không sống chung với nhau nữa và trong khoảng thời gian đó có cưới người vợ nữa (là mẹ của tôi) cũng không có giấy đăng ký kết hôn.
Mà khoảng thời gian bố tôi ở với người vợ trước và người vợ tiếp của ông đều từ năm 1987 đổ lại. Qua việc nói chuyện trong gia đình thì mọi người đều quyết sẽ cho tôi là người thừa kế thì xin hỏi luật sư tôi phải giải quyết vấn đề này ra sao? Xin luật sư tư vấn giúp. Tôi xin trân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì thời điểm bố mất không để lại di chúc nên toàn bộ di sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế hợp pháp (bao gồm: bạn, chị và ông bà nội; đối với hai người vợ do chưa đăng ký hôn nên không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp, do đó sẽ không được chia thừa kế trong trường hợp này). Cụ thể, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
...''
Khoản 1 Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
Trường hợp này, hai bên chung sống với nhau như vợ chồng trước thời điểm ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn, do vậy sẽ áp dụng quy định của Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Thông tư số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 để xem xét tính hợp pháp của quan hệ chung sống giữa hai bên.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội thì “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000”. Như vậy, đối với những trường hợp nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987, hiện họ chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng (hôn nhân thực tế).
Tuy nhiên, pháp luật chỉ công nhận hôn nhân thực tế nếu họ còn chung sống như vợ chồng vào thời điểm hiện tại. Nếu bố và người vợ trước của bố bạn không còn chung sống như vợ chồng thì quan hệ hôn nhân của họ không được công nhận, và người phụ nữ kia không được công nhận là vợ của bố bạn.
Khi đó những người thừa kế ở hàng thứ nhất của bố bạn bao gồm mẹ bạn và những người con của bố.
Do những người đồng thừa kế của bố bạn đều đồng ý không yêu cầu chia và để lại cho bạn thừa kế toàn bộ thì bạn sẽ phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Theo đó, hồ sơ bạn cần chuẩn bị gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch,
- Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp tự soạn thảo),
- Bản sao giấy tờ tuỳ thân,
- Giấy tờ để chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó,
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế,
- Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản,
- Văn bản xác nhận của các thừa kế về thỏa thuận không phân chia di sản.
Sau đó gia đình sẽ phải làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất để xác lập quyền sử dụng của mình.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất