Thủ tục cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.

Tôi có thắc mắc về thời hạn của giấy phép lao động và thủ tục xin cấm thẻ tạm trú cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cụ thể như sau:


Nội dung yêu cầu tư vấn: CÔNG TY TÔI LÀ CÔNG TY 100% VỐN ĐÀI LOAN

Cty tôi có nhu cầu sử dụng 2 lao động người nước ngoài, trình độ Đại Học, chúng tôi đã có công văn gửi sở lao động để thông báo có nhu cầu được tuyển lao động người nước ngoài và đã được duyệt

Sau đó, chúng tôi đã hoàn tất thủ cấp đề nghị cấp giấy phép lao động và đã được cấp. Nhưng theo HĐLĐ giữa công ty và lao động nước ngoài là 5 năm, nhưng giấy phép lao động chỉ được cấp 2 năm.

Sau khi có giấy phép lao động, chúng tôi làm thủ tục đề nghị cấp thẻ tạm trú, nhưng trên ViSa của NLĐ nước ngoài thứ nhất có ký hiệu là DL, người thứ 2 là thẻ tạm trú có ký hiệu: BU 000 923C. Vì vậy, cơ quan xuất nhập cảnh tỉnh không chấp nhận hồ sơ vì mục đích nhập cảnh không phải là đến Việt Nam làm vịêc

Vậy cho tôi hỏi:

1/ Trong trường hợp HĐLĐ là 5 năm thì GPLĐ được cấp với thời hạn bao lâu? có được 5 năm không theo quy định hịên hành.

2/ Đối với thủ tục đề nghị cấp thẻ tạm trú công ty tôi cần phải làm làm gì? liên hệ với cơ quan nào? để điều chỉnh ký hiệu? và nếu phải về nước thì cần cầm theo công văn gì được cấp tại VN để làm sao có được ký hiệu trên Visa là đến VN để làm vịệc.

Tôi chân thành cảm ơn Tổng đài tư vấn pháp luật
 

Thủ tục cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Tư vấn về thời hạn của giấy phép lao động
 

 Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thời hạn của giấy phép lao động.

Nghị định 102/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có quy định như sau:

Điều 11. Thời hạn của giấy phép lao động

“Thời hạn của giấy phép lao động được cấp là không quá 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây:
1.     Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;…”

Theo đó, thời hạn tối đa của giấy phép lao động là không quá 2 năm.

Điều 13. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động

“1. Giấy phép lao động bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động như họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số hộ chiếu; địa điểm làm việc.

2. Giấy phép lao động hết hạn.”

Như vậy, khi hết hạn giấy phép lao động thì có thể xin cấp lại giấy phép lao động để phù hợp với hợp đồng lao động đã ký kết.

Thủ tục cấp lại giấy phép lao động được quy định như sau:

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động

“1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

3. Các giấy tờ đối với người lao động nước ngoài:

a) Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này phải có bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật và giấy phép lao động đã được cấp (trừ trường hợp bị mất);
b) Đối với trường hợp cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định này phải có giấy phép lao động đã được cấp (trừ trường hợp bị mất) còn thời hạn ít nhất 05 ngày, nhưng không quá 15 ngày, trước ngày giấy phép lao động đã được cấp hết hạn; giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này; văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài và một trong các giấy tờ sau:
- Văn bản của phía nước ngoài cử người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thỏa thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài hoặc văn bản chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục đàm phán cung cấp dịch vụ tại Việt Nam;
- Giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc tại tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
- Văn bản của một nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
- Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Các giấy tờ quy định tại Điểm này là 01 bản chính hoặc 01 bản sao, nếu bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Thứ hai, về việc cấp thẻ tạm trú cho người lao động.

Vấn đề này được quy định chi tiết tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014  có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Cụ thế như sau:

Để được cấp thẻ tạm trú, trước hết người lao động cần phải làm thủ tục xin cấp thị thực (visa).

Trước hết căn cứ theo quy định tại Điều 10. Điều kiện cấp thị thực thì người lao động phải đảm bảo điều kiện sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh.

Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động để chứng minh mục đích nhập cảnh.

Về thủ tục xin cấp thị thực, công ty bạn có thể tiến hành thủ tục xin cấp thị thực cho người lao động tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Cục xuất nhập cảnh) (Được quy định tại Điều 16). Cụ thể như sau:

1. Người lao động nước ngoài phải thông qua công ty bạn trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

2. Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam công ty bạn phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh kèm theo hồ sơ, bao gồm:

a) Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;

b) Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.

Việc thông báo chỉ thực hiện một lần, khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ phải thông báo bổ sung.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

4. Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp thị thực cho người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thanh toán với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khoản cước phí để thực hiện việc thông báo cấp thị thực.

Sau khi được cấp thị thực ký hiệu LĐ (Cấp cho người lao động), người lao động nước ngoài sẽ tiến hành thủ tục để xin cấp thẻ tạm trú theo ký hiệu thị thực đã được cấp.

Thủ tục cấp thẻ tạm trú Điều 37 như sau :

"1. Hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;
b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;
c) Hộ chiếu;
d) Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại Điều 36 của Luật này.
2....c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú"

Hồ sơ nộp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh_Cục xuất nhập cảnh. Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Thủ tục cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169