LS Hoài My

Thời hiệu yêu cầu chia di sản và hết thời hiệu yêu cầu chia thì di sản thuộc về ai?

Luật sư tư vấn về vấn đề: bố mất không để lại di chúc và ông bà nội mất sau bố, giờ người em trai của bố gây khó dễ về việc chia di sản thì giải quyết như nào? Nếu hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về ai?

Nội dung tư vấn: Chào luật sư, cho em xin phép hỏi vấn đề này: Cha, mẹ em có sở hữu 1 mảnh đất và đã được cấp GCNQSDĐ theo quy định pháp luật. Ngày 27/11/1990 ba em mất, mẹ em mải làm ăn nên không biết chuyện thừa kế làm lại sổ đất, cho đến nay mới biết Luật Dân sự 2015 quy định tông chi thừa kế phần đất của ba em có 1 phần chuyển qua ông bà nội vì ông bà nội mất sau ba em (ông nội mất năm 1992, bà nội mất 2016). Các cô, chú trong gia đình đều ký vô tông chi thừa kế đồng ý chuyển phần các cô, chú thừa hưởng từ ông, bà nội cho mẹ em nhưng có 1 chú không chịu hợp tác, cố tình gây khó và hành hạ gia đình em suốt 1 năm.

Qua tìm hiểu pháp luật em biết thì có 2 cách để giải quyết vấn đề này là: Cách 1, khởi kiện tòa án để tòa án chia (vì sợ xóm làng bàn tán, chú bác mất tình cảm nên em không thể chọn cách này). Cách 2, chờ đến thời hiệu thừa kế 30 năm. Vậy cho em hỏi nhờ luật sư tư vấn giúp em cái thời hiệu thừa kế 30 năm, liệu đến ngày 27/11/2020 mẹ em có được quyền sở hữu 100% đất không? Nhờ luật sư tư vấn và giải thích, đồng thời đưa lời khuyên cho gia đình em nên chọn cách 1 hay chờ đợi cách 2. Gia đình em vô cùng biết ơn luật sư và quý công ty.  

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi tin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hàng thừa kế:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn mất năm 1990, ông nội mất 1992, bà nội mất 2016. Tất cả trước khi mất mà không để lại di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật, những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật và thứ tự phân chia di sản được Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

 

Khoản 1 Điều 651 quy định về Người thừa kế theo pháp luật:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

…2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

 

Xác định người thừa kế theo pháp luật đối với từng trường hợp như sau:

 

+ Bố bạn mất 1990, những người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản của bố bạn gồm: vợ ( mẹ bạn), ông nội, bà nội, các con của bố bạn.

 

Khi bố bạn mất, tài sản chung của bố mẹ bạn được chia đôi. Mẹ bạn được hưởng ½ tài sản chung của bố mẹ cộng thêm 1 phần di sản thừa kế của bố bạn để lại. ông, bà nội và các con của bố mỗi người được hưởng 1 phần di sản thừa kế của bố bạn.

 

+ Ông nội mất 1992, những người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản của ông nội gồm: bà nội, các con của ông nội (bao gồm cả bố bạn, tuy nhiên bố bạn mất trước ông nội nên các con của bố bạn được hưởng thừa kế thế vị một phần di sản mà bố bạn được hưởng nếu còn sống). Di sản của ông nội bao gồm cả phần di sản được hưởng thừa kế từ bố bạn. Mỗi người thừa kế được hưởng một phần di sản bằng nhau.

 

+ Bà nội mất 2016, những người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản của bà nội gồm các con của bà nội (bao gồm cả bố bạn, tuy nhiên bố bạn mất trước bà nội nên các con của bố bạn được hưởng thừa kế thế vị một phần di sản mà bố bạn được hưởng nếu còn sống). Di sản của bà nội bao gồm cả phần di sản được hưởng thừ kế từ bố bạn và phần di sản được hưởng thừa kế từ ông nội.

 

Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện.

 

Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như sau:

 

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

 

Và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 04/2017/ NQ-HĐTP quy định: “Yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ.

 

Ví dụ: Cụ A chết năm 2010, để lại di sản là căn nhà X nhưng không có di chúc và không có thỏa thuận khác. Cụ A có con là ông B (còn sống, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015). Trường hợp này, theo quy định của pháp luật về thừa kế thì anh C là con của ông B không có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ A theo pháp luật.

 

Theo quy định pháp luật nêu trên, những người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế nếu vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Tức là trong trường hợp này, chú bạn vẫn có quyền yêu cầu khởi kiện di sản của ông, bà nội. Chú ấy làm đơn Khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia di sản của ông, bà nội thì Tòa án sẽ xác định đâu là những di sản của ông, bà nội.

 

Trường hợp, bố bạn mất và những người thuộc hàng thừa kế chưa làm thủ tục phân chia di sản, Tòa án sẽ xác định nếu thời hiệu chia di sản thừa kế của bố bạn vẫn còn thì Tòa án sẽ yêu cầu chia di sản của bố bạn, sau đó sẽ chia di sản của ông, bà nội.

 

Trường hợp nếu thời hiệu chia di sản thừa kế của bố bạn đã hết (hết 30 năm) thì Tòa án sẽ chỉ chia di sản thừa kế của ông, bà nội cho những người thuộc hàng thừa kế của ông, bà nội.

 

Nếu hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của bố bạn thì coi như người được hưởng thừa kế mất quyền yêu cầu chia di sản thừa kế. Và khi hết thời hạn này thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu mẹ bạn là người trực tiếp quản lý thì khi hết thời hạn đến năm 2020 thì di sản của bố bạn sẽ thuộc về mẹ bạn. Tuy nhiên, lưu ý rằng đến năm 2020 là hết thời hiệu chia thừa kế của bố bạn; còn phần di sản của ông và bà nội đến năm 2020 chưa hết thời hiệu (Thời hiệu 30 năm để tính chia thừa kế đối với phần di sản của ông tính từ năm 1992 và phần di sản của bà tính từ năm 2016). Do đó, chú bạn vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu phân chia đối với phần di sản này của ông bà để lại (trong đó có một phần tài sản được nhận thừa kế từ bố bạn)

 

Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp các con của ông, bà nội bạn đã từ chối nhận di sản của ông bà. Theo quy định pháp luật các cô, chú muốn từ chối nhận di sản thì phải lập văn bản từ chối nhận di sản và phải có công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên việc các cô, chú từ chối nhận di sản của ông, bà nội thì di sản của ông bà nội bạn sẽ chia cho những người thừa kế còn lại (còn bố bạn và một chú đang tranh chấp chia di sản) được hưởng suất thừa kế bằng nhau.

 

Như vậy, để đảm bảo quyền lợi thì gia đình bạn có thể thỏa thuận với các đồng thừa kế khác, trong đó có chú bạn về việc phân chia. Trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự-Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo