Thời gian tạm giữ phương tiện khi có tai nạn giao thông là bao lâu?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi có điều khiển xe máy trên đường thì tôi có qua trạm một chiếc xe máy sao khi qua trạm tôi bắt tỉnh nhân sự sao khi tôi tỉnh thì có gặp bên qua trạm với tôi. Hai bên thoản thuận không truy cứu về vụ tai nạn. Tôi không có bằng lái xe và trong khi bị tai nạn tôi mất chứng nhận đăng kí xe và bảo hiểm xe chứng minh nhân dân tôi làm lại một số giấy tờ bên giao thông yêu cầu. Vậy tôi hỏi là như vậy chừng nào tôi mới lấy phuong tiện ra được. Xin cảm ơn

 

 

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA quy định:

 

"Điều 10. Tạm giữ phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan

 

1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:

 

a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;

 

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

 

c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:

 

- Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

 

- Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật."

 

Bên cạnh đó, tại Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

 

"Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

 

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

 

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế."

 

Như vậy, khi vụ việc tai nạn giao thông không có dấu hiệu hình sự thì thời hạn tạm giữ phương tiện là 07 ngày, tối đa là 30 ngày.


Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169