Vũ Thanh Thủy

Thế chấp tài sản của người khác khi chưa có sự đồng ý của họ có phạm tội hay không?

Tôi muốn hỏi luật sư vấn đề như sau ạ: Việc sử dụng sổ đỏ cũ để vay mượn hay thế chấp có vi phạm luật đất đai không ạ? Vì khi tách hộ đã phân chia hết đất đai cho mỗi hộ, mỗi hộ giữ 1 sổ đỏ mới, trong đó đã lập ra thửa đất mới. Nhưng sổ đỏ cũ vẫn được giữ lại và bà A đã lấy sổ đỏ cũ đi thế chấp vay mượn,đất dùng để thế chấp là của ông B, ông B không biết gì hết . Liệu mảnh đất bị thế chấp đó có bị mất quyền sử dụng đất của ông B hay không ạ?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 về thế chấp tài sản, cụ thể:

 

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”

 

Đối với  thế chấp tài sản thì tài sản dùng để thế chấp phải thuộc sở hữu hợp pháp của bên thế chấp. Do đó, nếu sau khi tách hộ và mỗi hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà A dùng sổ đỏ cũ đi thế chấp mà tài sản thế chấp thuộc sở hữu của ông B và không được sự đồng ý của người này thì hợp đồng thế chấp giữa bà A và bên nhận thế chấp sẽ bị vô hiệu theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015:

 

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu, theo đó, bên nhận thế chấp phải trả lại sổ đỏ và bà A phải trả lại tiền đã vay. Trường hợp này, ông B vẫn được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản trên.

 

Về trách nhiệm hình sự, nếu bà A cầm sổ đỏ cũ đi thế chấp trong đó bao gồm phần đất của ông B mà không có sự đồng ý của người này, có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bên cho vay thì có thể bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

 

…..”

 

Như vậy, nếu bà A biết rõ phần diện tích đất đã thuộc quyền sở hữu của ông B, đã có sổ đỏ riêng nhưng vẫn cố tình cầm sổ đỏ cũ đưa đi thế chấp, khi vay vẫn xác nhận đó thuộc quyền sở hữu của bà A nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã có  đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

P.luật sư tư vấn về dân sự – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo