LS Hồng Nhung

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thế nào?

Dạ con chào luật sư ạ Con có 1 vấn đề về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn mong được luật sư tư vấn ạ. Con năm nay 15 tuổi , có 1 người em 13 tuổi ,ba mẹ ly hôn khi con 9 tuổi , hiện tại chúng con đang sống với mẹ . Nhưng mẹ hay ngăn cấm không cho con về thăm bên nội, mỗi năm mẹ chỉ cho con về 1 ngày để làm đúng theo những gì đã thoả thuận khi ly hôn.

Khi nhà bên nội muốn dẫn con và em con đi du lịch mẹ đều cấm cản và hăm doạ chị em con bảo phải nói rằng không muốn đi, nếu không mẹ sẽ đánh. Mẹ còn thường xuyên bạo hành tinh thần của chúng con, khi chúng con làm sai việc gì mẹ không mắng nhưng mẹ lại la hét và kề dao vào cổ chúng con,việc này rất hay xảy ra trong nhà con, khi ngoại con can ngăn mẹ đánh luôn cả ngoại.

Điển hình là sự việc: con đã ăn cơm ở trường học về nhà con nói là không ăn nổi nữa thì mẹ la hét đập hết chén dĩa xuống đất, mẹ còn đem dao ra định phóng về phía con, sau đó mẹ nắm đầu con lôi xềnh xệch trên nền nhà toàn là miễn chai, con sợ lắm. Con rất muốn về ở với ba nhưng mẹ nói không ở với mẹ thì mẹ giết chứ không được đi đâu hết. Con thật sự rất muốn về sống với ba xin luật sư tư vấn và giúp đỡ con ạ, làm thế nào để thay đổi quyền nuôi con ạ!

1. Tư vấn: Thay đổi người trực tiếp nuôi con quy định thế nào?

Cảm ơn em đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của em chúng tôi tư vấn như sau:

- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em khi bố mẹ ly hôn

Theo quy định tại Luật Trẻ em thì trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện (Điều 13); quyền được sống chung với cha mẹ (Điều 22); quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha mẹ (Điều 23).

Và theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập; giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội...

Do vậy, em có quyền được mẹ yêu thương, chăm sóc và ngược lại đó cũng là nghĩa vụ của mẹ đối với em. Đồng thời, sau khi ly hôn, cha em không trực tiếp nuôi em thì có quyền và nghĩa vụ thăm nom mà không ai được cản trở (theo Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

- Về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con cái

Đối với hành vi bạo hành con cái của mẹ em có thể sẽ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên theo điểm a Khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;”

Trong trường hợp này, cha em có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của mẹ em đối với con cái; nếu cha em không thực hiện quyền này thì những người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án (theo Khoản 19 Điều Luật Hôn nhân và gia đình, người thân thích bao gồm: người có quan hệ hôn nhân, người có cùng dòng máu trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Vậy, trong trường hợp của em, ông bà nội, bà ngoại em sẽ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của mẹ em với các con).

- Về thay đổi người trực tiếp nuôi con khi ly hôn

Ngoài những người thân thích như đã nêu ở trên cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của mẹ em đối với các con. Khi đã bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền của mẹ em đối với các con thì cha em sẽ thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của hai chị em em (theo Khoản 1 Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Trường hợp em muốn về ở với cha, em có thể yêu cầu cha em khởi kiện ra Tòa án nhân đân cấp quận/huyện nơi mẹ em đang cư trú để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn (theo Khoản 3 Điều 28; Điều 35; Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Nếu cha em đưa ra được các bằng chứng chứng minh việc em bị mẹ em bạo hành thì có khả năng cha em sẽ giành được quyền nuôi con.

- Hành vi bạo hành bị xử lý hình sự khi nào?

Mặt khác, nếu hành vi của mẹ em diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của hai chị em em thì có thể hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:

“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

Theo đó, em có thể tố giác hành vi phạm tội của mẹ em đến cơ quan điều tra cấp huyện nơi mẹ em cư trú theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Căn cứ theo thông tin tố giác của em, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ khởi tố vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự.

---

2. Muốn thực hiện thay đổi người trực tiếp nuôi con phải làm như thế nào?

Câu hỏi:

Tôi có 1 số thắc mắc mong luật sư giúp đỡ.Tôi và vợ tôi ly hôn đã được 8 tháng. Chúng tôi có 2 con chung 1 con 18 tuổi và 1 con 6 tuổi  (tháng 11 này được 7 tuổi). Do hai người không hợp nhau nên tôi quyết định ly hôn chứ tôi cũng không rượu chè hay đánh đập, ngoại tình gì. Vì muốn mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng tôi đã để vợ tôi nuôi con 6 tuổi. Nhưng mỗi lần tôi lên thăm con thì đều bị gia đình vợ chửi bới xúc phạm ngăn cản tôi gặp con. Luôn quát mắng trc mặt con tôi.

Trước kia con tôi rất hoạt bát, hồn nhiên nhưng từ khi mẹ nuôi , mẹ hay nói to, và chửi bới tôi  nên làm con tôi trở nên nhút nhát, không dám chơi với bạn bè. Tôi và các cô giáo hỏi cháu bao nhiêu lần cháu đều nói muốn về với bố. Tôi muốn giành quyền nuôi con nhg con tôi lại chưa đủ 7 tuổi.  Vậy phải làm gì tôi mới được nuôi con. Mong luật sư giúp đỡ. 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

- Quy định về người trực tiếp nuôi dưỡng con khi ly hôn

Bạn có thể tham khảo tại điều 84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Vì khi giải quyết vấn đề nuôi con sau ly hôn Tòa án giao con cho người mẹ nuôi để nhằm tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

- Chứng minh điều kiện giành quyền nuôi con

Hiện nay nếu điều kiện nuôi con của người mẹ không còn đảm bảo điều đó bạn có quyền yêu cầu để thực hiện thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Đồng thời, bạn phải chứng minh các điều kiện của mình tốt hơn so với vợ cũ về mọi mặt. Các điều kiện cần chứng minh đó là:

+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi con hay không)

+ Chỗ ở ổn định;

+ Môi trường sống đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về hể chất và tinh thần cho con.

+ Thời gian làm việc có đảm bảo để chăm sóc con hay không.

+ Sự quan tâm, chăm sóc giành cho con.

Khi này bạn sẽ hoàn thiện hồ sơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau đó gửi đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi con đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Hồ sơ bao gồm:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu).

+ Bản án ly hôn.

+ Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực).

+ Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực).

+ Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169