Đinh Thị Minh Nguyệt

Thanh toán không dùng tiền mặt quy định thế nào?

Sự phát triển của khoa học - công nghệ đã dần chuyển đổi phương thức giao dịch, mua bán hàng hóa sang sử dụng các phương tiện điện tử mà cụ thể là việc giảm thiểu sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. Điều này có thể thấy rõ trong những năm gần đây khi đa số cá nhân, tổ chức trong xã hội có xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử, lệnh thanh toán,.. để thực hiện việc mua bán. Hơn nữa, trong quy định pháp luật cũng có những trường hợp bắt buộc phải sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong bài viết sau đây, Luật Minh Gia sẽ gửi đến quý bạn đọc những thông tin liên quan đến vấn đề này.

1. Thế nào là thanh toán không dùng tiền mặt?

Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt: “Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.”

Cụ thể hơn, những dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán theo khoản 1 điều 14 Nghị định 101/2012/NĐ-CP bao gồm: 

“1. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:

a) Cung ứng phương tiện thanh toán;

b) Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;

c) Các dịch vụ thanh toán khác.”

Trong khi đó, việc thanh toán không qua tài khoản thanh toán gồm những dịch vụ sau: Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.

2. Những giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt 

Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy một số trường hợp được quy định khi giao dịch phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 4 Thông tư 21/2017/TT-NHNN, quy định rằng khi giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

“Điều 4. Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt 

1. Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Việc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được tổ chức tín dụng cho vay thực hiện ngay trong ngày giải ngân vốn vay theo mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; trường hợp việc giải ngân vốn vay thực hiện sau giờ giao dịch thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng cho vay thì việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức tín dụng đó.”

Thứ hai, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số giao dịch quy định tại điều 4 Thông tư 33/2014/TT-NHNN.

Thứ ba, đối với các giao dịch chứng khoán thì tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong hai trường hợp là trên Sở giao dịch chứng khoán hoặc trong các giao dịch đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán, theo quy định tại điều 5 Nghị định 222/20143/NĐ-CP. 

Thứ tư, đối với giao dịch tài chính của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp không sử dụng giao dịch bằng tiền mặt trong hai trường hợp là giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp hoặc khi vay và cho vay lẫn nhau. Cụ thể quy định tại điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP:

“Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.”

Khi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức được quy định tại khoản 2 điều 3 Thông tư 09/2015/TT – BTC bao gồm:

“Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Thứ năm, giao dịch nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Theo đó, khoản 1 điều 1 Thông tư 136/2018/TT-BTC quy định: “Các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp ngân sách nhà nước (NSNN) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN).”

Thứ sáu, mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên. Trường hợp này được quy định tại điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.”

Theo đó, mua từng lần được căn cứ theo từng hóa đơn mà người mua nhận được từ người bán. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế GTGT và được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản chi có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

3. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt 

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phát triển và trở nên vô cùng đa dạng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra những hình thức phổ biến nhất, được pháp luật quy định cụ thể và nhiều người sử dụng trong thực tiễn, bao gồm: 

- Thanh toán sử dụng séc

Về khái niệm, khoản 1 điều 3 Thông tư 22/2015/TT-NHNN quy định: “Séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát trích một số tiền nhất định từ tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.”   

Hình thức này trở nên phổ biến bởi người sử dụng không cần mang theo một khoản tiền lớn, thanh toán an toàn, tiện lợi. Ngoài ra, người trả tiền có thể hủy bỏ việc thanh toán cho đến khi người nhận tiền đã xuất trình séc cho ngân hàng. Tuy vậy, nó cũng gây ra nhiều bất cập bởi thanh toán bằng séc sẽ không phù hợp với những giao dịch đơn giản phục vụ nhu cầu cá nhân thông thường, không thuận tiện cho các thương gia và cá nhân thực hiện giao dịch nhiều ngày và đôi khi có thể xảy ra gian lận. 

- Thanh toán qua ủy nhiệm chi 

Đây là hình thức mà người thanh toán sẽ lập lệnh thanh toán theo mẫu do ngân hàng cung cấp để yêu cầu ngân hàng trích một số tiền trong tài khoản thanh toán của mình bằng với số tiền ghi trên ủy nhiệm chi để trả cho người thụ hưởng.

Một trong những ưu điểm của hình thức này là quá trình thanh toán được kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng nên sẽ ít có sai sót. Ngoài ra, thủ tục thanh toán cũng đơn giản, nhanh chóng và người thụ hưởng sẽ được thanh toán trực tiếp thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình này có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp tài khoản của bên ủy quyền không đủ tiền để chi trả theo nội dung trên giấy ủy nhiệm chi, khi đó ngân hàng có quyền từ chối giao dịch. 

- Thanh toán qua thẻ ngân hàng

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán được tích hợp nhiều tính năng gồm chuyển tiền, rút tiền, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm và thực hiện các giao dịch liên kết với các ứng dụng điện tử. 

Khách hàng có thể dùng thẻ ngân hàng để thanh toán khi mua hàng mà không cần dùng tiền mặt. Thẻ ngân hàng được chia làm 3 loại: thẻ trả trước, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

- Thanh toán trực tuyến

Hình thức thanh toán trực tuyến hiện nay vô cùng đa dạng, được nhiều người ưa chuộng và trở thành xu hướng trong thời gian gần đây, trong đó có thể kể đến như: internet banking, mobile banking, ví điện tử (zalo pay, shopee pay, momo,..), mã QR code,...

Nhờ sự phát triển của công nghệ, các dịch vụ ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán tạo ra sự tiện lợi khi kết hợp với các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki,.., và đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người dân. Giờ đây, chúng ta có thể mua sắm thoải mái mà không cần di chuyển, không cần mang theo tiền mặt, chỉ cần sử dụng duy nhất chiếc điện thoại là đã có thể mua bán hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người đều nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người khác, vì vậy hình thức thanh toán trực tuyến này có thể phát triển hơn nữa trong tương lai. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo