Hoàng Thị Kim Lý

Thẩm quyền UBND xã khi yêu cầu người sử dụng đất cắt bỏ phần mái tôn lợp ra ngoài khoảng không mương

Cán bộ xã gửi thông báo kết luận bắt gia đình phải cắt bỏ phần mái tôn gia đình lợp sang khoảng không bờ mương có đúng không và gia đình có quyền kiện cán bộ quản lý về việc gia đình làm xong mới bắt dừng thi công và bắt cắt bỏ không? UBND cấp xã có đủ thẩm quyền bắt gia đình cắt bỏ không? Nếu gia đình không cắt bỏ phần mái đó có được coi là vi phạm và bị cưỡng chế không?


Gia đình tôi có lợp 1 lán tôn bằng cột sắt cột chôn trong phần đất của gia đình tôi làm từ ngày 6/10 và đến ngày 27/10 thì cán bộ xã xuống bắt dừng, lúc đó phần mái đã hoàn thành vì lí do nhà tôi lợp ra phần bờ mương dài 16m rộng phần đầu là 2m và sau là 2.5m. Phần bờ mương này nhà tôi đã sử dụng từ lâu và phần bờ mương này ko phải là đường đi. Giờ cán bộ xã gửi thông báo kết luận bắt gia đình phải cắt bỏ phần mái tôn gia đình lợp sang khoảng không bờ mương có đúng không và gia đình có quyền kiện cán bộ quản lý về việc gia đình làm xong mới bắt dừng thi công và bắt cắt bỏ không? Ubnd cấp xã có đủ thẩm quyền bắt gia đình cắt bỏ không? Nếu gia đình không cắt bỏ phần mái đó có được coi là vi phạm và bị cưỡng chế không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề anh/chị đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi lợp mái ra phần bờ mương

 

Căn cứ Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

 

"Điều 174. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng

 

Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

 

Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản

 

1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

 

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

 

2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

 

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

 

Như vậy, mương là ranh giới chung giữa gia đình với đường đi, việc gia đình anh/chị lợp ra phần bờ mương dài 16m rộng phần đầu là 2m và sau là 2.5m là vi phạm pháp luật theo quy định nêu trên.

 

Thứ hai, về thẩm quyền yêu cầu cắt bỏ phần mái trên

 

Theo nội dung tại Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 05 năm 2014 nguyên tắc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất như sau:

 

“1. Xác định ranh giới thửa đất

 

1.1. Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

 

1.2. Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.

 

Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất để giải quyết. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thi được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.

 

Như vậy, UBND xã có nghĩa vụ tiếp nhận đơn khi có tranh chấp về mốc ranh giới và tiến hành giải quyết tranh chấp đó. Do đó, việc cán bộ xã thông báo kết luận yêu cầu gia đình anh/chị phải cắt bỏ phần mái tôn gia đình lợp sang khoảng không bờ mương là đúng với quy định pháp luật. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, anh/chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo