Hoài Nam

Tham nhũng là gì? Tội phạm tham nhũng bị xử lý thế nào?

Tham nhũng là một vấn nạn không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay, nó đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Vậy tham nhũng là gì? Tội phạm tham nhũng bị xử lý thế nào?

1. Khái niệm tham nhũng

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International – TI), tham nhũng được hiểu là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Theo cách hiểu này thì tham nhũng chỉ xảy ra trong cơ quan nhà nước và được thực thực hiện bởi nhưng người có chức dụ, quyền hạn

Theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng được định nghĩa ngắn gọn là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.” Người có chức vụ, quyền hạn mà pháp luật đề cập đến không được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ trong phạm vi các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài nhà nước (tư nhân). Động cơ khiến chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là vì vụ lợi. Vụ lợi được hiểu là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Như vậy, có thể rút ra khái niệm về tham nhũng như sau: tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế có ý lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi bất hợp pháp nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng.

2. Đặc điểm của tham nhũng

Dựa vào khái niệm tham nhũng có thể rút ra được một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, chủ thể tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ quyền hạn có thể là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nào đó. Người này có thể là người có chức vụ, quyền hạn ở cả khu vực công (nhà nước) và khu vực ngoài nhà nước (tư nhân).

Thứ hai, chủ thể tham nhũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không có hành vi tham nhũng. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện một cách cố ý để sử dụng như một phương tiện để mang lại lợi ích bất hợp pháp cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác.

Thứ ba, mục đích của hành vi tham nhũng là vì lợi ích riêng. Người có chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng để nhằm đạt được những lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất bất hợp pháp. Lợi ích vật chất là những được sở hữu vật có thể thấy được, cầm nắm được như tiền, vàng, bất động sản…các loại tài sản có giá. Lợi ích phi vật chất là những lợi ích vô hình như được tặng thưởng, bổ nhiệm chức vụ, nâng điểm thi, hối lộ tình dục…

3. Phân loại các hành vi tham nhũng

Chủ thể của hành vi tham nhũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực Nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Vì vậy, việc xác định hành vi tham nhũng của chủ thể thực hiện trong hai khu vực này cũng khác nhau.

Theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018, các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

4. Biện pháp xử lý chủ thể tham nhũng

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỉ luật hoặc xử lý hình sự.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi tham nhũng mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lỷ bằng hình thức kỉ luật. Theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các hình thức xử lý kỉ luật bao gồm:

- Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

- Cảnh cáo: Đã bị kỷ luật bằng khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

- Giáng chức: Đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.

- Cách chức: Đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc; công chức tham nhũng có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

- Buộc thôi việc: Đã bị cách chức mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp người thực hiện hành vi tham nhũng thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Các tội phạm về tham nhũng được quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; từ Điều 353 đến Điều 359. Trong số các tội phạm về tham nhũng, Tội tham ô tài sản (Điều 353) và Tội nhận hối lộ (Điều 354) có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Các tội phạm về tham nhũng còn lại khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Tóm lại, các hành vi tham nhũng luôn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước và doanh nghiệp. Những năm gần đây, Đảng và chính phủ đã không ngừng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng theo hướng không có vùng cấm, có chiều sâu, cách làm bài bản hơn, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ và rõ nét hơn. Với sự ra đời của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018; những sửa đổi, bổ sung kịp thời của Bộ luật Hình sự năm 2015 để trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tham nhũng cả trong và ngoài khu vực Nhà nước đã góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống các tội phạm về tham nhũng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169