Nguyễn Kim Quý

Tên trong giấy khai sinh gốc khác với những giấy tờ khác thì có được thay đổi?

Tôi xin trích lục giấy khai sinh tại UBND nhưng trích lục giấy khai sinh lại ghi tên khác so với giấy khai sinh gốc bản giấy và những hồ sơ, giấy tờ khác của tôi như: sổ hộ khẩu, bằng cấp, giấy ĐKKH,... Giờ tôi muốn thay đổi tên trong giấy khai sinh bản gốc.

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật sư, vui lòng cho tôi hỏi về vấn đề như sau: Tôi sinh năm 1979, gần đây tôi có đi trích lục khai sanh mới biết tên trong giấy khai sanh gốc so với hộ khẩu và khai sanh gốc bản giấy không đúng với nhau. Khi đăng ký trích lục thì cán bộ báo tên là Trần Văn C, trong khi đó hộ khẩu và giấy khai sanh gốc (bản giấy) thì là Trần Văn A, sau khi nói chuyện vấn đề này thì cán bộ nói là giấy khai sanh gốc (bản giấy) của tôi bị sửa, Do tất cả giấy tờ nhà đất, giấy kết hôn, khai sanh bằng cấp ... của tôi dựa theo hộ khẩu nên tất cả tên Trần Văn A. Như vậy làm thế nào để tôi đổi khai sanh gốc là Trần Văn C thành Trần Văn A như tất cả giấy tờ liên quan nên trên là Trần Văn A. Chân thành cám ơn luật sư tư vấn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:

 

"Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

 

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

 

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

 

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh."

 

Như vậy, giấy khai sinh chính là giấy tờ hộ tịch gốc của bạn, mọi giấy tờ khác đều phải theo nội dung trong giấy khai sinh của bạn. Trường hợp của bạn thì cán bộ hộ tịch chỉ nói với bạn là giấy khai sinh gốc bản giấy của bạn bị sửa chữa nhưng không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh về vấn đề này nên chưa thể chắc chắn việc sai sót là từ phía bạn hay từ cán bộ địa chính đã cấp trích lục cho bạn. Trường hợp cấp trích lục giấy khai sinh cho bạn có sự khác biệt về tên là do lỗi của cán bộ hộ tịch thì bạn không cần thay đổi những hồ sơ, giấy tờ hiện có. Trường hợp giấy khai sinh bản gốc của bạn đã bị tẩy xóa, sửa chữa thì bạn phải làm thủ tục điều chỉnh những hồ sơ, giấy tờ khác theo bản trích lục hộ tịch giấy khai sinh gốc của bạn chứ không thể thay đổi giấy khai sinh theo những giấy tờ khác được, trừ trường hợp bạn có những điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:

 

"Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch

 

1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.

 

2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch."

 

Như vậy, nếu bạn không có những căn cứ chứng minh về việc có sự sai sót của cán bộ hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch theo quy định của luật thì bạn không thể thay đổi nội dung trong giấy khai sinh gốc mà chỉ có thể thay đổi những giấy tờ khác cho phù hợp với giấy khai sinh.

 

Trân trọng.

Phòng tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo