Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tài xế của công ty gây tai nạn giao thông thì ái có trách nhiệm bồi thường?

Xin Chào Luật Sư, Em có trường hợp này nhờ luật sư tư vấn giúp em.

Nội dung tư vấn: Xin Chào Luật Sư, Em có trường hợp này nhờ luật sư tư vấn giúp em. Em có ông Anh bà con khi điều khiển xe,xe bị hư tấp vào lề sửa,trong quá trình sửa có chiếc xe của công ty là tài xế chạy với tốc độ cao không quan sát kịp nên tông Anh tôi ven khúc xa và mất,xe hư.Trong quá trình ma chay công ty không lên hỗ trợ ma chay,để mình chị tôi lo gánh tất cả và tinh thần suy sụp trong khi đó có 4 đứa con nhỏ chưa đủ 18 tuổi,Anh tôi là trụ cột gia đình giờ mất đi không ai nuôi con.khi ma chay tạm ổn thì tài xế lên bảo rủi ro không mong muốn,Muốn đền 30 triệu viết giấy bại nại không thì tui đi tù 2 tháng la tui về Chị không có đồng nào,ức hiếp chị tui,bên tui không đồng ý và chưa giải quyết gì thì bên cong ty sao lấy xe tông Anh tôi ra sửa và đại diện công ty lên nói tôi chẳng qua là hỗ trợ thôi chứ tôi chẳng gây ra.Nen hứa là ho tro 1 số tiền nhưng nay được 3 tháng không thấy đâu.Công an thì hối chị tôi xuống ký biên bản lấy xe ra không kem gì.Nhưng chị tôi lấy xe ra làm gì khi còn trơ khung tiền đâu sửa và xe nào kéo về.Em thấy không ổn nên nhờ luật sư tư vấn giúp em trường hợp này. 1.Bên em có lấy xe ra không khi không có gì với biên bản là trả xe. 2.Bên công ty có trách nhiệm gì với bên Chi em để hỗ trợ con còn nhỏ xíu rất tội nghiệp và nghèo. 3.Bên tài xế thì làm sao để họ vào ngồi tù vì thấy chị em hiền còn lên hù doạ. 4. Em có cần làm đơn khởi tố không ah? Rất mong nhận được tư vấn của luật sư để em hỗ trợ làm giúp Chị em. Trân trọng.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc tạm giữ và trả phương tiện,

 

Điều 10 quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) của Bộ Công an quy định việc tạm giữ và trả phương tiện như sau:

 

“a. Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;

 

b. Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

 

c. Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:

 

- Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

 

- Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, bạn không nên lấy lại xe khi không có quyết định và biên bản kèm theo. Vì việc này có thể còn liên quan đến bồi thường thiệt hại về sau.

 

Thứ hai, về trách nhiệm của bên công ty

 

Căn cứ vào Điều 600 BLDS 2015 quy định như sau:

 

“Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

 

Pháp luật quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585 BLDS 2015 như sau:

 

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

 

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

 

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

 

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

 

Trong trường hợp này, nếu chứng minh được  lỗi hoàn toàn là do người tài xế của công ty kia thì việc xác định trách nhiệm bồi thường như sau:

 

Theo quy định tại Điều 591 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 593 BLDS 2015, Công ty có trách nhiệm bồi thường các khoản như:

 

+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, như trong trường hợp này là con chưa thành niên của người đã chết

 

+ Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Mức bồi thường các bên có thể thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

 

Ngoài ra, bên bạn có thể yêu cầu bên công ty bồi thường thiệt hại chiếc xe bị tài xế đâm phải.

 

Thứ ba, trách nhiệm của tài xế

 

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 quy định về tội tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ  :

 

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

 

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

 

đ) Làm chết 02 người;

 

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

 

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

 

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.”

 

Như vậy, cần chứng minh được người tài xế đó đã vi phạm về an toàn giao thông đường bộ như: chạy quá tốc độ, lấn làn,... thì mới có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này.

 

Vì vậy, căn cứ Điều 143, 144 BLTTHS 2015, bạn có thể tố giác hành vi phạm tội của tài xế bằng văn bản hoặc lời nói đến Cơ quan Điều tra

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Đoàn Thị Khánh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo