Luật sư Việt Dũng

Tài sản thừa kế là tiền gửi ngân hàng phân chia thế nào?

Xin chào luật sư, tôi muốn hỏi về các vấn đề thừa kế như sau: Mẹ chồng tôi vừa mất có để lại một số tiền A (đồng) trong tài khoản ngân hàng, 1, 4 mẫu ruộng, (toàn bộ tài sản do ba chồng tôi đứng tên). Lúc sống má có nói để lại số tiền A chia làm 3 phần (chia cho ba chồng, và hai người con trai), cho người anh hai 1 mẫu và 4 công ruộng còn lại cho người con trai út.

- Trong nhà thì vẫn còn bà nội lớn tuổi, nếu ba chồng tôi mất trước bà nội thì bà nội có được quyền thừa kế không.

- Di chúc ba chồng tôi định lập để chia ruộng cho hai anh em theo ý nguyện của má có giá trị không. Bà nội có quyền thừa kế khi đã có di chúc không, các con của bà nội (cô, chú) có quyền hưởng trong phần tài sản này không (trong trường hợp không có di chúc của Ba).

- Nếu tài khoản ngân hàng để cho Ba, anh trai và người con út đứng tên đồng sở hữu, vậy khi có 2 người đồng ý rút tiền, không có chữ ký người còn lại có được không?

- Tài khoản do hai người đứng tên đồng sỡ hữu ( ba chồng và con trai út), nếu ba mất thì người con còn lại (anh trai) có quyền thừa kế để phân chia tài khoản này không.

Xin cám ơn luật sư,

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về vấn đề thứ nhất: Trong nhà thì vẫn còn bà nội lớn tuổi, nếu ba chồng tôi mất trước bà nội thì bà nội có được quyền thừa kế không.

Theo như giả sử của bạn thì sẽ xảy ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Nếu ba chồng bạn có để lại di chúc.

Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về di chúc như sau:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Như vậy, nếu trong di chúc của ba chồng bạn để lại thể hiện ý chí rằng sẽ chuyển tài sản của mình cho bà nội của bạn thì bà nội của bạn sẽ được hưởng phần di sản đó và bà nội bạn sẽ có quyền thừa kế.

Trong trường hợp, di chúc của ba chồng bạn để lại không thể hiện ý chí rằng sẽ chuyển tài sản của mình cho bà nội của bạn thì bà nội của bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 và bà nội của bạn vẫn sẽ có quyền thừa kế.

Trường hợp 2: Nếu ba chồng bạn không để lại di chúc.

Khi ba bạn không để lại di chúc, phần tài sản của ba bạn để lại sẽ trở thành di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho những người thừa kế.

Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Như vậy, trong trường hợp này bà nội của bạn sẽ là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất và bà nội của bạn sẽ có quyền thừa kế.

Theo đó, dù là ba chồng bạn có để lại di chúc hay không thì bà nội của bạn vẫn có quyền thừa kế, trừ trường hợp bà nội của bạn thuộc khoản 1 Điều 621 BLDS 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản.

Về vấn đề thứ hai: Di chúc ba chồng tôi định lập để chia ruộng cho hai anh em theo ý nguyện của má có giá trị không. Bà nội có quyền thừa kế khi đã có di chúc không, các con của bà nội (cô, chú) có quyền hưởng trong phần tài sản này không (trong trường hợp không có di chúc của ba).

Mặc dù tài sản mẹ chồng bạn để lại đều đứng tên ba chồng, nhưng cần xác định đây là tài sản chung của ba mẹ hay chỉ là tài sản riêng của ba chồng bạn.

Trường hợp đây là tài sản chung của ba mẹ bạn, khi mẹ bạn mất, một nửa phần tài sản này sẽ thuộc di sản thừa kế do mẹ bạn để lại. Do mẹ bạn không để lại di chúc, chỉ nói miệng về việc để lại đất cho ba và 2 người con trai, nên phần di sản của mẹ bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm ba mẹ của mẹ chồng bạn, ba chồng bạn và các con. Nếu ba bạn muốn lập di chúc quyết định đối với toàn bộ mảnh ruộng này thì đầu tiên, gia đình bạn cần phải khai nhận di sản thừa kế, trong đó những người thừa kế di sản của mẹ bạn thì cần phải thỏa thuận giao cho bố bạn toàn quyền quyết định đối với mảnh ruộng của bố mẹ bạn. Khi đó, ba bạn có thể lập di chúc để chia ruộng cho anh em bạn theo ý nguyện của mẹ chồng bạn.

Trường hợp đây là tài sản riêng của ba chồng bạn, thì việc ba bạn lập di chúc đối với mảnh ruộng như thế nào hoàn toàn là quyền quyết định của ba bạn. di chúc này đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật thì nó được coi là di chúc hợp pháp và có giá trị pháp lý.

Nếu ba bạn để lại di chúc nhưng trong di chúc không đề cập đến việc chia mảnh ruộng này cho bà bạn thì bà bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế từ bố của bạn.

Trường hợp ba bạn không để lại di chúc, phần di sản ba bạn để lại sẽ chia theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm bà nội và các con của ba bạn. Trong trường hợp bà nội và các con của ba bạn mất, không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì phần di sản thừa kế ba bạn để lại sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai, trong đó có cô, chú của chồng bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, trong trường hợp này thì vẫn còn những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, có quyền hưởng di sản, không bị truất quyền hưởng di sản, không từ chối nhận di sản do đó các con của bà nội (cô, chú của chồng bạn) không có quyền hưởng trong phần tài sản này.

Về vấn đề thứ ba: Nếu tài khoản ngân hàng để cho ba, anh trai và người con út đứng tên đồng sở hữu, vậy khi có 2 người đồng ý rút tiền, không có chữ ký người còn lại có được không.

Trong trường hợp bạn nêu thì số tiền trong tài khoản này là di sản để lại và được chia cho ba chồng bạn, người anh trai và người con út. Như vậy, tài sản này sẽ là tài sản chung theo phần, tức quyền sở hữu của mỗi người được xác định đối với số tiền trong tài khoản. Do vậy, khi có 2 người đồng ý rút tiền, không có chữ ký người còn lại thì vẫn thực hiện được nhưng hai người đồng ý rút tiền sẽ chỉ được rút số tiền thuộc quyền sở hữu của mình.

Về vấn đề thứ tư: Tài khoản do hai người đứng tên đồng sỡ hữu (ba chồng và con trai út), nếu ba mất thì người con còn lại (anh trai) có quyền thừa kế để phân chia tài khoản này không.

Số tiền trong tài khoản do ba chồng và con trai út đứng tên đồng sỡ hữu là tài sản chung theo phần của ba chồng bạn và con trai út của ba chồng bạn. Như vậy, số tiền nào thuộc sở hữu của ba chồng bạn trong tài khoản sẽ là di sản thừa kế, số tiền nào thuộc sở hữu của con trai út của ba chồng bạn thì đương nhiên sẽ là tài sản riêng của người đó.

Trong trường hợp bố chồng bạn có để lại di chúc. Nếu trong di chúc bố chồng bạn không chia di sản cho người anh trai (người con) thì người đó không có quyền thừa kế, trừ trường hợp người anh trai đó không có khả năng lao động thì vẫn có quyền thừa kế để phân chia di sản trong tài khoản này theo quy định tại khoản 1 Điều 644 BLDS 2015. Còn nếu trong di chúc bố chồng bạn thể hiện chia di sản cho người anh trai (con) thì người đó có quyền thừa kế để phân chia di sản trong tài khoản này trừ trường hợp không được quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 621 BLDS 2015.

Trong trường hợp bố chồng bạn không để lại di chúc, phần tài sản này sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm bà nội và các con của ba bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn