Hoài Nam

Sự khác nhau khi chia di sản theo pháp luật và theo di chúc

Xin chào Luật sư! Cháu xin được luật sư tư vấn giúp việc này với ạ. Trước kia năm 1980 bố cháu có lấy vợ và có hai con trai, nhưng không đăng ký kết hôn.

 

Cháu được biết là vợ trước của bố cháu rất lười, không chịu làm việc chỉ thích chơi, đã vậy hay mang của cải nhà chồng về cho nhà ngoại. Đến năm bố cháu đi bộ đội 1985 ở nhà bà ấy trả hết ruộng vườn cho hợp tác không chịu lao động, còn mang chiếc xe máy bố cháu mua về ngoại cho ngoại bán rồi kêu mất. Khi bố cháu xuất ngũ về có hỏi thì chối bỏ không nhận, xảy ra cãi nhau. Bà ấy bỏ về ngoại và kêu không về nữa. Bố cháu nhiều lần đến đón về nhưng không về. Cả nhà ngoại gây sự với gia đình bố cháu. Chửi bới ông bà nội của cháu bây giờ. Và còn làm cho bố cháu bị đi tù nữa. Năm 1990 bố cháu gặp mẹ cháu bây giờ. Có đăng ký kết hôn. Hộ khẩu nhà cháu không hề có tên hai anh. Lúc đấy trong nhà không có tài sản gì cả. Mẹ cháu về hai người gây dựng lên, mẹ cháu vất vả đêm hôm để được như hôm nay. Nhưng không may mắn lắm vì em trai cháu mất ngay sau khi sinh, lên giờ mẹ còn mình cháu là con gái. Năm cháu học lớp 4 thì một anh về nhà cháu xin ở cùng, do bà ấy không nuôi nổi nữa. Về dưới này anh ý rất sướng được mẹ cháu rất chiều, muốn mua gì mẹ cháu cũng cho. Từ khi lấy vợ anh ý thay đổi hoàn toàn không lễ phép với mẹ cháu nữa. Giờ thì hai anh đều có nhà riêng. Anh lớn ở chung mảnh đất với bố mẹ cháu, nhưng là hai nhà riêng biệt. Tất cả giấy tờ đất đều do bố cháu đứng tên. Cháu xin được tư vấn là:

1: Bố cháu mất đi ko có di chúc thì tài sản phân chia thế nào.

2: Với hoàn cảnh như vậy mà bố cháu mất đi để di chúc cho anh ý nhà thì cháu chắc rằng mẹ cháu và cháu (đã đi lấy chồng) không thể sống trong ngôi nhà mà mẹ cháu vất vả đêm hôm gây dựng lên. Trong trường hợp này cháu làm thế nào. Chi phí cho trường hợp này hết bao nhiêu. Cháu xin được luật sư tư vấn giúp. Cháu chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Thứ nhất, phân chia di sản của bố

 

Trong trường hợp bố của bạn mất đi mà không để lại di chúc thì di sản của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật theo Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015:

 

 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Theo quy định của điều luật này thì nếu bố bạn mất đi mà không để lại di chúc thì di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho mẹ bạn, bạn và hai anh là con trai của bố bạn.

 

Thứ hai, nếu bố mất đi để lại di chúc cho anh trai và xử lý căn nhà của mẹ để lại

 

Ngôi nhà mà bố mẹ bạn hiện đang ở là do bố mẹ bạn cùng nhau gây dựng nên sau khi kết hôn, do vậy đây được xác định là tài sản chung của bố mẹ bạn. Vì là tài sản chung nên nếu bố bạn lập di chúc thì chỉ được định đoạt đối với một nửa ngôi nhà chứ không phải toàn bộ ngôi nhà do mẹ bạn cũng sở hữu một phần tài sản này. Vì vậy, bạn có thể yên tâm là không thể xảy ra trường hợp bất kỳ một người anh trai nào được thừa kế toàn bộ ngôi nhà mà không được sự đồng ý của mẹ bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Sự khác nhau khi chia di sản theo pháp luật và theo di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo