Hoàng Thị Kim Lý

Sau khi nộp phạt do đào ngũ, có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Tư vấn trường hợp: 1 thanh niên làng mới được 3 tháng huấn luyện thì đơn vị có giấy về xã báo đã chốn khỏi đơn vị và cắt quân số về xã. Nhưng trước khi đi thanh niên này đã bỏ toàn bộ quân tư trang lại, không mang bất cứ một thứ gì mà đơn vị phát cho. gia đình đi tìm thấy và đưa anh ta về xã trình diện bị phạt tiền là 10 triệu đồng.

 

Trước tiên cho mình cảm ơn công ty luật Minh Gia. mình có một vài câu hỏi về tôi đảo ngũ khi tham gia nghĩa vụ quân sự:làng mình có 1 thanh niên đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự và đã nhập ngũ, vào quân đội.nhưng mới được 3 tháng huấn luyện thì đơn vị có giấy về xã báo đã chốn khỏi đơn vị, và cắt quân số về xã.nhưng trước khi đi thanh niên này đã bỏ toàn bộ quân tư trang lại, không mang bất cứ một thứ gì mà đơn vị phát cho. gia đình đi tìm thấy anh ta và đưa anh ta về xã trình diện bị phạt tiền là 10 triệu đồng. thanh niên này không phải quay lại đơn vị nữa, tôi lại thấy thanh niên này chốn về quê ở và lao động như người bình thường, 3 tháng sau yêu một cô gái rồi ra xã làm thủ tục đăng ký kết hôn và UBND xã đã làm cho anh ta giấy đăng ký kết hôn cho anh ta, đợt tuyển quân vừa qua tại xã lại không có tên anh ta tiếp tục đi nghĩa vị quân sự nữa. Vậy cho mình hỏi công ty luật đối với trường hợp này thì thanh niên này đã có những giấy tờ gì mà không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa?UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn là đúng hay sai?Nếu tất cả các thanh niên lên đường nhập ngũ đề đảo ngũ rồi đóng 10 triệu đồng thì không phải tham gia nghĩa ụ quân sự nữa thì đơn giản quá.  

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về hành vi đào ngũ.

 

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP khi đào ngũ sẽ bị xử phạt như sau:

 

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

 

a) Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện;

 

b) Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.

 

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này”

 

Như vậy, nếu người thanh niên này có hành vi đào ngũ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, đơn vị quân đội đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, kèm theo đó là thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do đó, trong trường hợp này, người thanh niên đã trả quân trang cho đơn vị quân sự, ngoài ra sẽ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự khi có lệnh. Việc bạn thấy đợt tuyển quân không có tên anh ta trong danh sách thì có thể đợt sau, bởi đây là nghĩa vụ bắt buộc đối với người thanh niên đó.

 

Thứ hai, có được kết hôn với người vừa đào ngũ?

 

Căn cứ Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

 

"Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

 

...2. Cấm các hành vi sau đây:

 

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

 

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

 

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

 

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

 

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

 

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

 

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

 

h) Bạo lực gia đình;

 

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

..."

 

"Điều 8. Điều kiện kết hôn

 

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

 

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

 

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

 

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

 

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

 

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính."

 

Như vậy, trường hợp người thanh niên đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 8 và không có hành vi bị cấm tại khoản 2 Điều 5 như đã nêu trên thì anh ta được phép kết hôn với người khác mà không phụ thuộc vào việc anh ta vừa đào ngũ.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo