Luật sư Việt Dũng

Quyền thừa kế khi phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất?

Pháp luật về thừa kế đã được cụ thể hóa bằng những quy định trong Bộ luật Dân sự, tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật vào giải quyết các trường hợp thừa kế như thế nào thì không phải ai cũng thành thạo và áp dụng một cách chính xác. Vậy trường hợp quyền thừa kế khi phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất giải quyết thế nào sẽ được Luật Minh Gia giải đáp dưới đây:

1. Quyền thừa kế

Theo quy định của Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

Theo đó, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Có 02 hình thức thừa kế:

- Thừa kế theo di chúc: người để lại di sản lập di chúc hợp pháp thì những người được hưởng di sản theo di chúc là người có quyền thừa kế.

- Thừa kế theo pháp luật: người để lại di sản mất không để lại di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực hoặc di chúc có hiệu lực một phần thì chia thừa kế theo quy định của pháp luật cho những người thừa kế.

2. Quyền thừa kế của người phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất

Đối với người con có công chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất và chứng minh được công sức, chi phí đã phụng dưỡng cha mẹ thì phụ thuộc vào hình thức thừa kế mà sẽ được hưởng phần di sản khác nhau.

* Trường hợp thừa kế theo di chúc

Cần xem xét ai là người được hưởng phần di sản do người chết để lại và người con có công chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ có được hưởng phần di sản nào không?

Nếu như người con phụng dưỡng cha mẹ chứng minh công sức, chi phí của mình bỏ ra để chăm sóc cha mẹ có giá trị nhiều hơn phần di sản được hưởng (hoặc không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc) thì có quyền yêu cầu người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc thanh toán lại chi phí chăm sóc, phụng dưỡng này.

Ví dụ: A chết để lại di chúc định đoạt toàn bộ di sản của A cho một người con là B. C là con có công phụng dưỡng chăm sóc A, do không được hưởng di sản thừa kế nên C yêu cầu được hưởng một phần di sản A để lại do có công chăm sóc A trước khi chết. Trong trường hợp này, nếu C chứng minh được công sức của mình thì phần di sản của A để lại phải được ưu tiên thanh toán cho C trước. Sau đó, phần di sản còn lại của A sẽ thuộc về B (nếu di chúc có hiệu lực toàn bộ).

* Trường hợp thừa kế theo pháp luật

Người con có công phụng dưỡng cha mẹ trước khi mất là một trong số những người thừa kế theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó, mỗi người thừa kế được hưởng một phần di sản bằng nhau.

Tuy nhiên, nếu người con đã phụng dưỡng cha mẹ có yêu cầu thanh toán chi phí, công sức phụng dưỡng cha mẹ thì trước khi chia đều cho những người thừa kế.

3. Quyền thừa kế khi con chung sống và phụng dưỡng cha mẹ

Câu hỏi:

Chào cô chú! cho cháu hỏi về quyền thừa kế của người con sống cùng cha mẹ và phụng dưỡng cha mẹ khi mất như sau: Hồi trước ông và bà nội em đều có 2-3 lần đi tiếp. Ông đi tiếp 2 lần sinh ra 1 người bác và bố cùng 2 cô út. Bà nội đi tiếp 3 lần: lần đầu và lần 2 bà điều sinh 1 cô, lần 3 bà sinh ra bố và 2 cô út. Hồi năm 20xx-20xx vì ông chết sớm và không để lại di chúc. Sau này bà em cũng bệnh và mất. Bố em là con trai út nên đã ở nhà cúng cùng mẹ chăm sóc bà trước khi bà mất.

Sau vì nhà nghèo gia đình đã bán 5m (chiều ngang) cho cô T và có chia cho các cô. Sau đó cũng làm giấy và chứng minh đất này là của gia đình cháu. Nay, các cô thấy gia đình cháu khá giả hơn trước đem ra đố kị và cùng các con của bác hai (con đầu của ông em) muốn giành phần đất còn lại (bên cạch nhà cúng thờ). Em và em trai cùng bố mẹ chống đối lại. Tuy nhiên con của các cô út hăm dọa và muốn gây thương tích cho gia đình em cùng với việc phá hoại đất canh tác. Em muốn hỏi những người này có quyền chia thừa kế không bởi vì bà nội do một mình bố em chăm sóc.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn đưa ra thì mảnh đất này là di sản của ông bà nội bạn để lại và con chung của hai người là bố bạn và hai người cô.

Tuy nhiên, bạn có nói là “Sau vì nhà nghèo gia đình đã bán 5m (chiều ngang) cho cô T và có chia cho các cô. Sau đó cũng làm giấy và chứng minh đất này là của gia đình cháu”. Từ thông tin này chúng tôi đưa ra các câu hỏi như sau:

Thứ nhất, căn cứ nào mà bố bạn có thể chuyển nhượng 5m (chiều ngang) của mảnh đất này cho người khác?

Thứ hai, khi làm giấy thỏa thuận mảnh đất này là của gia đình bạn thì có sự có mặt đầy đủ của những người thừa kế di sản là quyền sử dụng mảnh đất này không?

Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”.

Do thông tin bạn đưa ra chưa đầy đủ nên chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp 1: Quyền sử dụng mảnh đất là tài sản chung của ông bà nội bạn

Khi ông bạn mất thì quyền sử dụng một nửa mảnh đất sẽ là di sản của ông nội bạn và quyền sử dụng một nửa mảnh đất còn lại sẽ là tài sản riêng của bà nội bạn. Lúc đó, những người thừa kế một nửa mảnh đất đó bao gồm: bà nội bạn, người bác (con đầu của ông nội bạn), bố bạn và hai người cô (con chung của ông bà nội bạn). Những người thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau (quyền sử dụng 1/10 mảnh đất). Tuy nhiên, sau khi ông nội bạn mất thì những người thừa kế không thỏa thuận việc chia di sản.

Khi bà nội bạn mất thì di sản là quyền sử dụng 6/10 mảnh đất (1/2 + 1/10) và những người thừa kế di sản gồm: bố bạn, hai người con riêng của bà nội bạn và hai người con chung của ông bà nội bạn. Những người thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau (quyền sử dụng 3/25 mảnh đất).

Trường hợp 2: Quyền sử dụng mảnh đất là tài sản riêng của ông nội bạn

Khi ông bạn mất thì quyền sử dụng mảnh đất này là di sản của ông nội bạn. Lúc này, những người thừa kế đã nói ở trên sẽ được hưởng quyền sử dụng 1/5 mảnh đất.

Khi bà nội bạn mất thì di sản là quyền sử dụng 1/5 mảnh đất. Những người thừa kế đã nói ở trên sẽ được hưởng quyền sử dụng 1/10 mảnh đất.

Trong trường hợp, khi làm giấy thỏa thuận mảnh đất này là của gia đình bạn mà có mặt đầy đủ của những người thừa kế (tất cả các con của ông bà nội bạn) thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản này mới có giá trị pháp lý và gia đình bạn mới có toàn quyền sử dụng mảnh đất này.

Còn trong trường hợp, khi làm giấy thỏa thuận mảnh đất này là của gia đình bạn mà không có mặt đầy đủ của những người thừa kế thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản này không có giá trị pháp lý. Khi xảy ra tranh chấp thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Ngoài ra, do bố của bạn là người có công sức chăm sóc phụng dưỡng bà nội trước khi mất nên có quyền yêu cầu thanh toán chi phí này trước khi phân chia di sản cho những người con theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Để đảm bảo quyền lợi của gia đình bạn cũng như tránh các xung đột có thể xảy ra bạn có thể gửi đơn khởi kiện về thừa kế tài sản đến Tòa án nhân dân cấp (huyện) nơi có mảnh đất để được giải quyết theo quy định pháp luật. Nếu mà các cô và các con của bác bạn vẫn tiếp tục đến làm phiền, đe dọa gia đình bạn thì bạn có thể gửi đơn đến công an cấp xã để được giúp đỡ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo